Đồng USD lao dốc không tưởng, Mỹ đối mặt ‘cơn ác mộng’ thập niên 90 của Nhật Bản?
Từ ngày 1/4 đến nay, đồng USD đã mất giá hơn 4% so với rổ các đồng tiền lớn khác, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng thêm 0,3 điểm phần trăm.
Trong thập niên 1990, Nhật Bản từng trải qua một cuộc khủng hoảng thị trường nghiêm trọng, được gọi là hiện tượng “triple yasu” – khi thị trường chứng khoán lao dốc, đồng yên mất giá và lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng cao. Giờ đây, nước Mỹ dường như đang đối mặt với một phiên bản hiện đại của “cơn ác mộng” đó.
Dù việc tạm ngưng áp thuế trong 90 ngày của ông Donald Trump đã mang lại đôi chút “dễ thở” cho thị trường, nhưng ba mối nguy lớn có vẻ đang quay trở lại.
Đáng ngại nhất hiện nay là những biến động mạnh trên thị trường trái phiếu và tiền tệ. Từ ngày 1/4 đến nay, đồng USD đã mất giá hơn 4% so với rổ các đồng tiền lớn khác, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng thêm 0,3 điểm phần trăm – dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng.
Tại Nhật Bản, “triple yasu” từng gắn liền với thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Nhưng nếu giới đầu tư đồng loạt tháo chạy khỏi tất cả các loại tài sản của Mỹ, thì mức độ thiệt hại có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Lý do là bởi đồng USD và trái phiếu Kho bạc Mỹ từ lâu đã được xem như nơi trú ẩn an toàn của cả thế giới và toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu đang vận hành dựa trên niềm tin rằng chúng luôn ổn định và đáng tin cậy.
Nếu lợi suất tăng do kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, thì đồng USD lẽ ra phải lên giá. Tuy nhiên, thực tế trái ngược cho thấy các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào sự ổn định kinh tế của Mỹ – trường hợp tương tự từng xảy ra với Anh vào năm 2022 sau “ngân sách nhỏ” của Thủ tướng Liz Truss với những khoản cắt giảm thuế không thể chi trả.

Mặc dù thuế quan dưới thời ông Trump có thể tạo thêm nguồn thu cho Chính phủ, nhưng số tiền đó khó bù đắp được khoản chi lớn hơn cho lãi vay, vốn đang tăng nhanh vì lợi suất trái phiếu leo thang.
Mỹ hiện đã rơi vào tình trạng ngân sách không mấy khả quan, theo The Economist. Sự ưa chuộng toàn cầu dành cho đồng USD và trái phiếu Kho bạc lâu nay đã cho phép Chính phủ Mỹ chi tiêu “rộng tay”.
Hiện, nợ ròng của Chính phủ liên bang hiện tương đương khoảng 100% GDP, và trong 12 tháng qua, chi tiêu đã vượt mức vay nợ tới 7% GDP. Tiền lãi phải trả cho nợ công hiện đã vượt cả ngân sách quốc phòng. Trong năm tới, Mỹ phải đáo hạn khoản nợ trị giá gần 9 nghìn tỷ USD – tương đương 30% GDP.
Các chuyên gia cho rằng các biện pháp thuế quan của ông Trump không chỉ gây thiệt hại lớn cho kinh tế Mỹ mà còn phơi bày sự khó đoán của chính sách. Hôm nay áp thuế thế này, tuần sau liệu có thay đổi không?
Sự bất an giờ đây không chỉ là vấn đề kinh tế. Những hành động như đe dọa cắt ngân sách các trường Đại học chỉ vì có tiếng nói chỉ trích, tước bỏ hợp đồng Chính phủ của các hãng luật đối đầu pháp lý với ông Trump, hay trục xuất người nhập cư tới nhà tù ở El Salvador mà không cần xét xử – tất cả đang làm lung lay các chuẩn mực cốt lõi của xã hội Mỹ.
Vì vậy, kịch bản tồi tệ không còn là điều quá khó hình dung: một Tổng thống có thể can thiệp vào dữ liệu kinh tế, hay thậm chí tước bỏ sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Giữa lúc lạm phát đang nóng trở lại, niềm tin vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – đơn vị chịu trách nhiệm kiềm chế giá cả – lại bị lung lay.
Sau nhiều năm giá cả tăng liên tục, nước Mỹ lại đang đối mặt với một làn sóng lạm phát mới do ảnh hưởng từ các mức thuế quan. Ngày 11/4, Chủ tịch Fed New York, ông John Williams, dự báo lạm phát năm nay sẽ dao động trong khoảng 3,5-4%. Cùng lúc, một cuộc khảo sát từ Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng dự đoán giá cả sẽ tăng tới 6,7% trong vòng một năm tới – mức cao nhất kể từ năm 1981.
Không khó hiểu khi giới đầu tư đang hoảng loạn. Thế nhưng, các Nghị sĩ Cộng hòa vẫn theo đuổi kế hoạch kéo dài và mở rộng các đợt giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, như thể tín nhiệm tài chính của Mỹ là điều bất biến.
Ngày 10/4, Hạ viện đã thông qua kế hoạch ngân sách của Thượng viện, vốn có thể làm tăng thêm 5,8 nghìn tỷ USD thâm hụt trong 10 năm tới – theo ước tính của Ủy ban Ngân sách Liêm chính (CRFB). Đây là con số lớn hơn cả gói giảm thuế ban đầu của ông Trump, chi tiêu chống dịch Covid-19 năm 2020 và các kế hoạch kích thích cũng như đầu tư hạ tầng dưới thời Tổng thống Biden cộng lại.
Để tránh vướng thủ tục về giới hạn thâm hụt, các Nghị sĩ Cộng hòa dự kiến tính toán ngân sách dựa trên giả định rằng các chính sách giảm thuế từ thời ông Trump sẽ được duy trì lâu dài. Cách làm này khiến dự báo nợ công/GDP của Mỹ trở nên xấu đi đáng kể. Tổ chức CRFB cảnh báo tốc độ gia tăng nợ có thể sẽ tăng gấp đôi.
Những biến động trên thị trường tài chính có thể buộc ông Trump hoặc Quốc hội phải thay đổi chính sách. Ngày 11/4, chính quyền đã rút điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử tiêu dùng khỏi danh sách hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế bổ sung.
Tuy nhiên, những tổn hại sâu xa có thể đã xảy ra. Suốt nhiều năm, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng “đặc quyền quá mức” – tức khả năng vay nợ dễ dàng nhờ đồng USD là đồng tiền toàn cầu – có thể khiến Mỹ chi tiêu quá tay.
Điều này khiến hệ thống tài chính dựa trên đồng USD trở nên mong manh, dễ sụp đổ giống như khi Mỹ chấm dứt liên kết giữa USD và vàng vào năm 1971, dẫn đến sự tan rã của hệ thống Bretton Woods.
Chỉ hơn một tuần trước, quyền lực của “vua USD” vẫn tưởng như vững như bàn thạch. Giờ đây, dưới tác động của hỗn loạn chính trị và chính sách, một kịch bản sụp đổ tưởng chừng xa vời đã trở nên hoàn toàn khả dĩ.
Tham khảo The Economist