Đột biến 13,2 triệu cổ phiếu Chứng khoán VIX được sang tay phiên ATC, VN-Index ngắt đà giảm
Thị trường chứng khoán ngắt chuỗi giảm điểm và hồi trở lại mốc 1.225. Dù vậy, sắc đỏ của cổ phiếu VIC vẫn là lực cản lớn khiến VN-Index khó bứt mạnh.
15h:
Thị trường chứng khoán ngắt chuỗi 3 phiên điều chỉnh liên tiếp với mức tăng 3,55 điểm lên ngưỡng 1.227,36 điểm. Các chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng có được sắc xanh nhạt.
Tổng khối lượng giao dịch hôm nay giảm đáng kể còn gần 24.500 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí là tâm điểm phiên hôm nay với 1.150 tỷ đồng giá trị giao dịch đã được ghi nhận. Ngoại trừ PLX tăng nhẹ 0,4%, các mã còn lại đều tăng trên 1% trong đó PVD, BSR tăng 1 - 2%; PVC, PSH tăng trên 3%; PVS, PVB, OIL tăng trên 4%. Đáng chú ý, cổ phiếu PVS chính thức xác nhận mức giá kỷ lục trong lịch sử niêm yết, mốc 39.400 đồng/cp.
Công nghệ, hóa chất, ngân hàng là các nhóm đóng cửa với chỉ số tăng.
Nhóm bất động sản dù không còn quá tiêu cực như phiên trước đó song vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. Cổ phiếu VIC giảm thêm 3,4% về mức 53.600 đồng qua đó khiến nỗ lực tăng giá của NVL, PDR, DXG,... không đủ để kéo chỉ số.
Điểm nhấn khác là việc HPX của Đầu tư Hải Phát chính thức ngắt chuỗi 4 phiên giảm sàn liên tiếp; mã đóng cửa giảm 0,4% về mức 5.460 đồng/cp; khối lượng giao dịch đến cuối phiên đạt 33,6 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán phân hóa theo chiều bán. Dù vậy, nỗ lực hồi phục giúp các mã VDS, HCM, ORS, FTS và VIX đóng cửa trong sắc xanh. Cổ phiếu VIX thậm chí xuất hiện lệnh mua giá cao gần 13,2 triệu đơn vị trong phiên ATC qua đó trở thành mã được giao dịch nhiều nhất toàn thị trường.
Phiên này, khối ngoại mua ròng 95 tỷ đồng trên 3 sàn trong đó VIX được gom lớn nhất với 8,2 triệu cp; Xếp ngay sau có PDR, VHM (từ 4 - 5 triệu cp); VNM, EIB, VCG (từ 1 - 2,4 triệu cp). Ngược lại, Các mã POW, MWG, HSG, SSI, STB bị bán từ 1,1 - 2,5 triệu cp; HPG và SHB bị chất bán 5,2 và 8,7 triệu cp.
Top cổ phiếu bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE phiên 15/9
11h30:
Kết phiên sáng, VN-Index giảm 0,4 điểm về mức 1.223,4 điểm.
Nhóm VN30 chỉ còn tăng nhẹ chưa tới 1 điểm với sự đóng góp chính vẫn là GAS, VHM, STB. Trong khi đó, VIC tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường (-2,9%) dù mở màn khá thuận lợi.
Nhóm dầu khí đang là tâm điểm thị trường với sự tỏa sáng của GAS, PLX, OIL, BSR và nhóm họ P.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận trạng thái phân hóa trong khi sắc đỏ xâm chiếm nhóm chứng khoán.
11h10:
Áp lực bán sau 10h30 nhanh chóng khiến thị trường điều chỉnh trở lại. VN-Index giảm 2 điểm; HNX-Index và UPCoM-Index cũng lùi về tham chiếu.
Bên cạnh sắc đỏ của các cổ phiếu MWG (-2,6%), VIC (-2,3%), SSI (-1,5%), CTG (-0,6%),... thị trường chung cũng chịu áp lực bán ở nhiều mã lớn ngoài rổ VN30.
Chứng khoán BIDV (BSC) lưu ý, với việc áp lực bán gia tăng trong phiên chiều 14/9, thị trường nhiều khả năng tiếp tục biến động mạnh trong phiên cuối tuần khi các quỹ ETF ngoại thực hiện cơ cấu.
Vùng 1.215 - 1.220 sẽ cần quan sát đặc biệt (vùng phản ứng của VN-Index với đường SMA20 trong trường hợp thị trường điều chỉnh).
10h10:
Trạng thái thị trường phần nào tích cực hơn phiên trước đó đặc biệt là tại nhóm bất động sản khi các largecap như DXG, KDH, DIG, PDR VHM diễn biến tích cực. Duy nhất VIC vẫn đang điều chỉnh nhẹ dưới tham chiếu.
STB tăng 3,5% là dẫn đầu rổ VN30. Một số cổ phiếu ngân hàng cũng tăng giá có MBB, SSB, TCB, TPB, BID, SHB, ACB, HDB, VIB.
Trong số này, cổ phiếu VIB sau phiên mở gap tăng tăng 3,3% lên mức 21.700 đồng trong phiên 14/9 (giá cao nhất 16 tháng) đã vượt thành công vùng giá kháng cự 20.x - 21.0 đồng. Kháng cự gần nhất của mã là vùng 24.x.
VN-Index hiện đang tăng hơn 7 điểm lên mức 1.231 điểm; khối lượng giao dịch sàn HOSE chậm lại với khoảng 4.800 tỷ đồng đã được sang tay giữa các nhóm đầu tư.
9h35:
VN-Index đang tăng 6 điểm và vượt trở lại mức 1.230. Các chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng trong trạng thái tích cực.
Nhóm VN30 có 26 mã tăng giá trong đó PLX dẫn đầu phe tăng với mức 2,5% và hướng lên vùng kháng cự 41.000 đồng trước đó 1 tháng. Các mã VJC, VNM, STB, BID, GAS, VHM, POW cũng tăng trên 1%.
Cổ phiếu dầu khí đang là tâm điểm dòng tiền với OIL tăng 6,3%, PVC, PVS tăng trên 6%, PVB tăng 5,7%, PSH tăng 4,7%, PLX, PVD, BSR tăng từ 3 - 4%,...
Đáng chú ý, cổ phiếu PVS với mức tăng mạnh đã vượt mốc 40.000 đồng/cp và thiết lập đỉnh mới.
Phiên giao dịch trước đó, nhóm cổ phiếu dầu khí bị bán vạ lây trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh. Mặc dù vậy, các mã họ P như PVC, PVD, PVB, PVS vẫn đóng cửa tăng giá.
Mã đầu ngành là PVS tăng 1,9% lên mức 37.900 đồng/cp; khớp lệnh cuối phiên gần 11,6 triệu đơn vị. Đây đã là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này (cách đỉnh lịch sử phiên 9/3/2022 chỉ 1 cây nến tăng 0,6%).
Thông tin liên quan, ngày 14/9, giá dầu thô Brent tiếp tục tăng lên mức 92,04 USD/thùng. Đáng chú ý, giá dầu tiếp tục neo ở mức cao bất chấp dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất tăng trong tuần trước.
Vừa qua, Tổ chức các nước xuất khâu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm 2024, thiết lập các mức cao kỷ lục mới.
Tập đoàn tài chính Bank of America (BofA) dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể đẩy giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong những tháng cuối năm 2023.
Xem thêm: Cổ phiếu dầu khí PVS trở lại đỉnh lịch sử: Nhà đầu tư nên giao dịch thế nào?
Siêu dự án Lô B - Ô Môn có thể mang về 5,8 tỷ USD cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS)
Nhóm dầu khí lỗ ròng quý III: Nỗi lo giá dầu giảm sâu về 40 USD/thùng năm 2025