Dow Jones mất 1.700 điểm, S&P 500 giảm gần 6%
Thị trường chứng khoán Mỹ đã mất một nửa số điểm tăng được trong phiên hôm qua.
Tính đến 23h41, chỉ số S&P 500 giảm 5,73%, Dow Jones mất 1.700 điểm. Đà giảm quá mạnh khiến thị trường đứng trước nguy cơ bị "rút phích".
Theo quy định, thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút nếu S&P 500 giảm 7%. Ở các ngưỡng tiếp theo là 13% và 20%, các biện pháp "rút phích" sẽ được triển khai trên quy mô rộng hơn.
Lần cuối cùng chứng khoán Mỹ phải ngừng giao dịch là năm 2020.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động công bố hôm thứ Năm (tối ngày 10/4 theo giờ Việt Nam), lạm phát của Mỹ đã giảm đáng kể trong tháng 2.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1% so với tháng trước (sau điều chỉnh theo mùa) và chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ - giảm đáng kể so với mức 2,8% trong tháng 2. CPI lõi – không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng – chỉ tăng 0,1% trong tháng và ghi nhận mức tăng hàng năm là 2,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Con số này thấp hơn nhiều so với dự đoán của Phố Wall, vốn dự báo CPI ở mức 2,6% và CPI lõi ở mức 3%, theo khảo sát đồng thuận của Dow Jones.
Động lực chính kéo lạm phát giảm là giá năng lượng lao dốc, trong đó giá xăng giảm 6,3%, góp phần kéo chỉ số năng lượng chung xuống 2,4%. Giá thực phẩm lại tăng 0,4% trong tháng – trong đó giá trứng tăng thêm 5,9%.
Giá nhà ở – vốn là một trong những yếu tố “cứng đầu” nhất trong rổ CPI – chỉ tăng 0,2% trong tháng 3, với mức tăng hàng năm là 4%, thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Trong khi đó, giá xe cũ giảm 0,7%, còn xe mới chỉ tăng 0,1%, ngay trước thời điểm thuế nhập khẩu dự kiến sẽ tác động mạnh đến ngành ô tô.
Một số chi phí dịch vụ khác cũng ghi nhận mức giảm rõ rệt: vé máy bay giảm 5,3%, bảo hiểm xe cơ giới giảm 0,8%, và giá thuốc kê đơn giảm 2%.
Ngay sau báo cáo, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh, cho thấy Phố Wall sẽ mở cửa trong sắc đỏ, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc cũng đi xuống.
Khoảng 20h45 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones rớt 942 điểm, tương đương 2,3%. S&P 500 mất 2,6%, trong khi Nasdaq Composite trượt sâu 3,1%. Apple và Tesla dẫn đầu đà giảm với mức lùi lần lượt hơn 3% và 5%. Cổ phiếu Nvidia cũng mất 4,9%, trong khi Meta Platforms trượt 3,7%.
.png)
Đến khoảng 22h45, Dow Jones giảm mạnh 1.345 điểm, tương đương 3,3%. S&P 500 mất 4,1%, trong khi Nasdaq Composite rơi sâu 4,9%. Dẫn đầu đà giảm là các “ông lớn” công nghệ: Apple lùi hơn 2%, Tesla mất trên 5%. Nvidia giảm 3,6%, trong khi Meta Platforms trượt 3,8%.
Báo cáo lạm phát được công bố chỉ một ngày sau khi ông Donald Trump gây bất ngờ với việc đảo ngược một phần kế hoạch thuế quan, hoãn một số mức thuế cao nhất từng được áp đặt lên hàng hóa từ hàng chục quốc gia. Thay vào đó, chính quyền giữ lại mức thuế 10% toàn diện được công bố hồi tuần trước và để ngỏ "khả năng đàm phán” kéo dài 90 ngày.
Mặc dù ông Trump từng cam kết kiềm chế lạm phát khi tranh cử, tiến trình này trong năm 2025 vẫn còn chậm chạp. Dẫu vậy, Tổng thống vẫn tiếp tục thúc giục Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, Fed hiện vẫn thận trọng khi các chính sách thương mại còn nhiều bất ổn, và thị trường dự báo Ngân hàng Trung ương sẽ đợi đến tháng 6 mới hành động.
Các nhà kinh tế từ lâu đã dự đoán rằng các biện pháp thuế quan sẽ tạo ra áp lực tăng giá đáng kể. Tuy nhiên, với việc chính quyền Mỹ tạm thời “giãn nhịp” để đàm phán, viễn cảnh đó đang trở nên mơ hồ hơn.
“Bản tin CPI hôm nay tuy bất ngờ tích cực, nhưng phần nào mang tính 'hồi tưởng', khi các thay đổi lớn trong chính sách thương mại vừa mới diễn ra”, bà Kay Haigh, đồng Giám đốc Toàn cầu mảng Thu nhập cố định và Giải pháp thanh khoản tại Goldman Sachs Asset Management nhận định. “Trong thời gian tới, Fed sẽ phải đối mặt với một thế khó: giá cả có thể tăng trở lại do thuế, trong khi nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng”, bà cho biết thêm.
Hiện tại, giới đầu tư hiện đang đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất 3-4 lần trước khi năm 2025 kết thúc.
Từ 10% đến 125%, hơn 580 tỷ USD rơi vào vòng xoáy: Trò chơi sức bền giữa hai siêu cường Mỹ - Trung
Trung Quốc nói đối thoại với Mỹ phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau