Dragon Capital ‘âm thầm’ xả ròng hơn 28 triệu cổ phiếu Hoa Sen (HSG)
Trong khoảng một tháng qua, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng gần 8 triệu cổ phiếu Hoa Sen (HSG).
Mới đây, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán tổng cộng hơn 3,17 triệu cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen trong phiên 16/8, hạ tỷ lệ sở hữu từ 8,22% (50,7 triệu đơn vị) xuống còn 7,71% (47,5 triệu đơn vị).
Trước đó, ngày 15/7, cổ đông ngoại này đã báo cáo sở hữu 55,3 triệu cổ phiếu HSG (8,97% vốn). Như vậy, trong khoảng một tháng, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng 7,8 triệu đơn vị.
Dragon Capital tiếp tục hạ tỷ trọng tại Hoa Sen |
Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, nhóm Dragon Capital đã nhiều lần mua bán cổ phiếu HSG, với chiều bán chiếm ưu thế. Căn cứ theo báo cáo giao dịch, khối lượng bán ròng từ 1/2 đến 22/8 đạt tổng cộng 28,1 triệu đơn vị.
Trên thị trường, đồng thuận với diễn biến trên, khối ngoại đã bán ròng 10 phiên liên tiếp cổ phiếu Hoa Sen, với tổng giá trị 264 tỷ đồng (12,8 triệu đơn vị).
Nhóm quỹ Dragon Capital miệt mài xả cổ phiếu HSG trong nửa năm qua |
Cổ phiếu HSG liên tục bị quỹ ngoại bán tháo gần đây trong bối cảnh hàng loạt thông tin bất lợi đối với Hoa Sen và ngành thép liên tiếp xuất hiện trong thời gian ngắn như: (1) Giá HRC tiếp tục giảm về vùng đáy 3 năm; (2) Hàng loạt động thái phòng vệ thương mại từ EU và Ấn Độ.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ngành thép vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt.
VCBS nhấn mạnh rằng chính sách mới từ Liên minh châu Âu (EU) có thể gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu, trong khi giá nguyên liệu giảm nhanh vào cuối quý II có thể tạo áp lực trích lập giảm giá hàng tồn kho trong quý III.
Theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thép trên sàn, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng giá trị tồn kho thép đạt khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm 7.000 tỷ đồng so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao.
Dự báo từ Hiệp hội Thép thế giới (WSA) cho thấy nhu cầu thép toàn cầu sẽ hồi phục nhẹ khoảng 1,9% trong năm 2024. Tuy nhiên, sự suy giảm trong thị trường bất động sản tại Trung Quốc và triển vọng kém trong nửa cuối năm có thể làm giảm tiêu thụ thực tế so với dự báo.
Tại các thị trường xuất khẩu, chính sách mới từ EU sẽ có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp thép Việt Nam. EU dự kiến áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ tháng 1/2026, đánh thuế carbon đối với các nhà xuất khẩu thép, điều này đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất trong nước. Họ sẽ cần đầu tư vào công nghệ xanh tốn kém để duy trì xuất khẩu vào EU. Hơn nữa, vào ngày 30/7/2024, EU đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC của Việt Nam do sản lượng xuất khẩu tăng đột biến.
>> Khối ngoại xả hàng chục phiên liên tiếp cổ phiếu Hòa Phát (HPG) và Hoa Sen (HSG)