Thế giới

Tuyên bố cắt khí đốt Nga nhưng lại tăng nhập gấp đôi: EU đau đầu với một thành viên trụ cột

Thanh Lê 13/07/2025 - 08:36

Các quan chức cáo buộc bà Teresa Ribera cố tình tạo ra kẽ hở trong đề xuất của EU để một ngày nào đó có thể cho phép khí đốt của Nga quay trở lại khối này.

Theo tiết lộ từ các nguồn ngoại giao châu Âu, Madrid đang bị cáo buộc âm thầm làm chậm quá trình thông qua một dự thảo quy định quan trọng – văn kiện nhằm tiến tới cấm hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt Nga vào cuối năm 2027.

Tuyên bố cắt khí đốt Nga nhưng lại tăng nhập gấp đôi: EU đau đầu với một thành viên trụ cột - ảnh 1
Người phát ngôn của Ribera thừa nhận Ủy viên đã tham gia soạn thảo đề xuất, nhưng lập luận rằng bà làm như vậy vì lợi ích của châu Âu

Dự thảo này, được công bố vào ngày 17/6, chỉ một ngày sau cuộc không kích dữ dội của Nga nhằm vào Kiev, không chỉ đặt ra thời hạn cắt nhập khẩu LNG và khí đốt đường ống, mà còn bổ sung các điều khoản giám sát chặt chẽ và tăng cường minh bạch với hoạt động nhập khẩu, nhằm cắt giảm nguồn thu của Điện Kremlin.

Tuy nhiên, dù văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng để tránh vấp phải quyền phủ quyết từ những nước thân Nga như Hungary hay Slovakia, một phản ứng cứng rắn lại đến từ ngay trong nội bộ Ủy ban châu Âu. Bà Teresa Ribera – Phó Thủ tướng kiêm Ủy viên phụ trách Khí hậu và Năng lượng của EU, đồng thời là chính trị gia người Tây Ban Nha – được cho là đã vận động hành lang để bổ sung điều khoản “phanh khẩn cấp”, cho phép các nước trì hoãn lệnh cấm trong trường hợp bất khả kháng.

Văn phòng của bà Ribera đã bác bỏ cáo buộc và gọi đó là "vô lý", song giới chức EU khẳng định tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều so với những gì công luận được biết.

Điều đáng nói là Tây Ban Nha luôn tự hào là quốc gia dẫn đầu châu Âu về năng lượng tái tạo, với mục tiêu đạt 81% năng lượng xanh vào năm 2030. Thế nhưng, trên thực tế, nước này lại đang tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Nga. Theo dữ liệu từ ICIS – đơn vị chuyên cung cấp thông tin năng lượng quốc tế – lượng LNG Nga nhập vào Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2021.

Một phần lý do là do Naturgy – tập đoàn năng lượng hàng đầu Tây Ban Nha – đang bị ràng buộc bởi hợp đồng dài hạn với Novatek của Nga đến tận năm 2042. Việc đơn phương hủy bỏ có thể khiến công ty phải đối mặt với khoản bồi thường hàng trăm triệu euro. Giám đốc điều hành Francisco Reynés thậm chí còn gửi thư trực tiếp đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để cảnh báo về nguy cơ này.

Dẫu vậy, trường hợp của TotalEnergies – tập đoàn năng lượng lớn của Pháp – lại cho thấy một cách tiếp cận khác. Dù cũng có ràng buộc tương tự, Total tuyên bố có thể dừng nhập LNG Nga bất cứ lúc nào và đã sẵn sàng chuyển sang nguồn cung thay thế.

Một số nhà quan sát cho rằng Madrid không nhất thiết thân Nga, nhưng vẫn coi Moskva là đối tác năng lượng “không đến mức nguy hiểm”, hoặc đơn giản là muốn duy trì chiến lược đa dạng hóa nguồn cung – bao gồm cả Mỹ, Nigeria, Algeria và Nga. Tuy nhiên, lập luận này đang ngày càng khó thuyết phục, trong bối cảnh thị trường LNG toàn cầu đang sôi động với hàng loạt lựa chọn thay thế.

Chính điều này khiến Brussels lo ngại. Tây Ban Nha có thể đang đặt lợi ích kinh tế quốc gia và những tính toán nội bộ lên trên mục tiêu chiến lược của EU: làm suy yếu khả năng tài chính của Nga thông qua đòn đánh vào xuất khẩu năng lượng – lĩnh vực sống còn với điện Kremlin.

Theo Politico

>> Loạt sức ép mới giáng xuống kinh tế Trung Quốc, chuyên gia kêu gọi ‘kích cầu bằng mọi giá’

Quyết tháo chạy khỏi khí đốt Nga, Đức tức tốc xây dựng 'cửa ngõ năng lượng' mới của châu Âu

Sức ép bủa vây, quốc gia châu Âu thách thức EU, kiên quyết nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tuyen-bo-cat-khi-dot-nga-nhung-lai-tang-nhap-gap-doi-eu-dau-dau-voi-mot-thanh-vien-tru-cot-146312.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tuyên bố cắt khí đốt Nga nhưng lại tăng nhập gấp đôi: EU đau đầu với một thành viên trụ cột
    POWERED BY ONECMS & INTECH