Cổ phiếu HPG hút mạnh dòng tiền khối ngoại, HBC hồi phục sau tín hiệu từ ĐHCĐ, SHB chứng kiến pha đảo chiều thanh khoản trước thềm phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu trả cổ tức,... là những câu chuyện được nhà đầu tư quan tâm.
Sau 4 tuần tăng điểm, thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại trong tuần cuối tháng 6. VN-Index đóng cửa giảm 9,2 điểm (-0,81%) xuống 1.120,18 điểm; HNX-Index giảm 4,22 điểm (-1,82%) về mức 227,3.
Thanh khoản trên HOSE đạt 16.560 tỷ đồng/phiên - đi ngang so với tuần trước; thanh khoản sàn HNX đạt 1.650 tỷ đồng/phiên - giảm 16%.
Diễn biến VN-Index 1 tháng gần đây |
Chuyển động dòng tiền tại các nhóm ngành: Theo quan sát, dòng tiền đã giao dịch thận trọng hơn trong bối cảnh nhiều quỹ thực hiện chốt NAV. Trong khi đó, khối lượng giao dịch ở HNX và UPCoM giảm mạnh khi nhóm cổ phiếu smallcap bị xả bán sau nhịp tăng nóng.
Giá trị giao dịch ở nhóm tài nguyên, dịch vụ bán lẻ và thực phẩm đồ uống cải thiện so với tuần trước đó. Đây cũng là các nhóm có được sắc xanh khi đóng tuần. Ở chiều ngược lại, chỉ số nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản cùng sụt giảm khi hàng loạt cổ phiếu bị bán ra. Thanh khoản nhóm dầu khí thậm chí giảm gần 29% (chỉ sau nhóm y tế).
Top cổ phiếu tăng/giảm giá và câu chuyện: Ngoại trừ XDC (+72,4% lên mức 999.900 đồng/cp - đắt nhất thị trường chứng khoán), biến động ở nhóm cổ phiếu UPCoM đều không thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư khi đa số đều có thanh khoản nhỏ giọt.
Trong khi đó, với việc Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Lăng cùng một số lãnh đạo cấp cao tại Chứng khoán APEC (APS) bị khởi tố, bắt tạm giam, bộ 3 cổ phiếu APEC Group lĩnh trọn 5 phiên giảm sàn qua đó chia sẻ 3 vị trí đầu trong Top cổ phiếu giảm mạnh nhất 2 sàn niêm yết.
Những lùm xùm xoay quanh tranh chấp nghìn tỷ với Sunny Island tiếp tục khiến cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh (-24,2%) sau chuỗi 13 phiên kịch trần.
Điểm chung ở cả APS, API, IDJ và QCG là đều lao về dưới mệnh giá khi dòng tiền tạo lập dừng mua bán.
Trong khi đó, các cổ phiếu penny như EVG, CET, SDA cũng giảm từ 15 - 19% sau nhịp tăng thần tốc 1 - 2 tháng trước đó.
Cổ phiếu TTB của Tập đoàn Tiếp Bộ giảm về mức 2.390 đồng/cp sau khi lĩnh án đình chỉ giao dịch trên sàn HOSE do công ty có lãnh đạo bị khởi tố.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DHT của Dược Hà Tây tiếp tục lập đỉnh mới sau khi phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 180%; cổ phiếu HCD cũng tăng khá mạnh sau động thái hoàn tất thoái vốn tại CTCP Nhựa Trường An.
Trong khi đó, cổ phiếu WCS của Bến xe Miền Tây tăng 16,6% lên mức 190.100 đồng/cp. Ngày 23/6 vừa qua, công ty đã chi cổ tức bằng tiền năm 2022 tỷ lệ 20% cho cổ đông.
Xem thêm: Gần 700 cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, nhóm nào nhiều nhất?
Những cổ phiếu được quan tâm nhiều nhất: Tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, cổ phiếu HPG tăng 3% lên mức 26.150 đồng/cp (phiên 28/6 được kéo lên 26.700 đồng); khớp lệnh trung bình duy trì trên mức 20 triệu đơn vị/phiên. Đây là mã tích cực nhất thị trường.
Trong tháng 6, cổ phiếu Hòa Phát tăng 23,3% và trở lại vùng giá cũ cuối tháng 5/2022. Đây là tin không thể vui hơn dành cho gần 180.000 cổ đông Hòa Phát sau hơn 4 tháng mã gần như "bất động".
Trong cùng thời điểm, khối ngoại tiếp tục chi nghìn tỷ mua cổ phiếu HPG qua đó nâng giá trị mua ròng từ đầu năm lên 4.850 tỷ đồng.
Cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt điều chỉnh nhẹ trong tuần doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 với câu chuyện phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Tương tự, cả DIG của DIC Corp và CEO đều điều chỉnh trong bối cảnh 2 gương mặt địa ốc này đều tổ chức bất thành ĐHCĐ.
May mắn hơn, cổ phiếu HBC của Tập đoàn Hòa Bình tăng 8,8% lên mức 9.790 đồng/cp (có thời điểm vượt mệnh giá). Trong tuần, doanh nghiệp nhà Chủ tịch Lê Viết Hải cũng đã tổ chức thành công ĐHCĐ ở phút "bù giờ" - sự kiện có sự tham gia của Chủ tịch Coteccons và Xây dựng Central.
Tại Đại hội, Hòa Bình đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2023 tăng lần lượt 5.000 tỷ và 25 tỷ đồng so với kế hoạch dự kiến lên các mức 12.500 tỷ và 125 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHB - mã chứng khoán được giao dịch nhiều nhất nhóm ngân hàng những tuần trước đó - bất ngờ ghi nhận thanh khoản giảm tới 42% và thị giá giảm nhẹ trong tuần. Đây có thể là diễn biến liên quan đến việc nhà băng này sắp phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2022 với tỷ lệ 18%.
Mùa BCTC quý 2 sắp bắt đầu!
Thông tin Quốc hội thông qua phương án giảm 2% VAT; tăng trưởng GDP quý 2 ở mức 4,14% và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72% ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tuần giao dịch vừa qua.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco, trong bối cảnh số liệu vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh nửa đầu năm không quá tích cực, nhiều doanh nghiệp thua lỗ hoặc kết quả thấp; dòng tiền thường nhắm tới nhóm cổ phiếu ngân hàng, bluechip hoặc đầu ngành, thương hiệu tốt. Điều này khả năng cao sẽ tiếp diễn trong tháng 7, đặc biệt đối với dòng tiền mới tham gia/quay lại thị trường.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu vốn hóa thấp có kết quả kinh doanh mang yếu tố đột biến và có yếu tố tạo lập cũng khả năng có sóng song khó bền.
Doanh nghiệp 67.000 tỷ đồng sắp niêm yết sàn HoSE: Kỳ vọng mới cho gần 40.000 cổ đông
Nhận định chứng khoán 13/12: Cơ hội xuất hiện khi VN-Index về 1.260 điểm