EU đề xuất thuế 0% để hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ, nhưng vẫn sẵn sàng ‘ra đòn’ nếu cần
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây cho biết họ đã đề xuất một thỏa thuận "0% đổi 0%" nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, các bộ trưởng EU nhất trí sẽ ưu tiên đàm phán, đồng thời chuẩn bị đáp trả bằng mức thuế 25% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây cho biết họ đã đề xuất một thỏa thuận "0% đổi 0%" nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, các bộ trưởng EU nhất trí sẽ ưu tiên đàm phán, đồng thời chuẩn bị đáp trả bằng mức thuế 25% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Tối ngày 7/4, Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức thuế đáp trả đầu tiên ở mức 25% đối với một loạt hàng hóa Mỹ, phản ứng lại việc Washington áp thuế lên thép và nhôm, thay vì áp dụng thuế trên diện rộng. Tuy nhiên, danh sách này đã được rút gọn sau khi EC chịu áp lực từ các quốc gia thành viên.
Các mặt hàng như bourbon, rượu vang và sữa đã bị loại khỏi danh sách, sau khi ông Trump đe dọa sẽ áp thuế 200% lên đồ uống có cồn của EU. Pháp và Ý, hai quốc gia xuất khẩu rượu lớn, đặc biệt lo ngại về điều này.
Ông Maros Sefcovic, Ủy viên Thương mại EU, cho biết mức thuế đáp trả sẽ tác động nhỏ hơn so với con số 26 tỷ euro (28,4 tỷ USD) mà EU từng thông báo. Phần lớn các mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/5, một số sẽ bắt đầu từ ngày 1/12.
Các bộ trưởng phụ trách thương mại đã nhóm họp tại Luxembourg vào thứ Hai để bàn thảo phản ứng của EU và thảo luận về quan hệ với Trung Quốc. Nhiều quốc gia cho rằng ưu tiên hàng đầu là mở đàm phán nhằm gỡ bỏ mức thuế của Mỹ thay vì đối đầu trực tiếp. Thứ trưởng Kinh tế Ba Lan Michal Baranowski phát biểu sau cuộc họp rằng các nước EU không muốn hành động “một cách bốc đồng”.
Ông Sefcovic cho biết các cuộc trao đổi với Washington đang ở giai đoạn đầu và ông đã đề xuất một thỏa thuận "thuế 0%" cho ô tô và các sản phẩm công nghiệp khác, bày tỏ hy vọng sớm khởi động đàm phán.
Tuy nhiên, cùng ngày, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump đã bác bỏ lời kêu gọi của tỷ phú Elon Musk về việc thiết lập “thuế 0%” giữa Mỹ và châu Âu, mỉa mai rằng CEO Tesla chỉ là “người lắp ráp ô tô” phụ thuộc vào linh kiện từ nước ngoài.
“EU luôn sẵn sàng, và rất ưu tiên con đường đàm phán, nhưng chúng tôi không thể chờ đợi mãi,” ông Sefcovic nói thêm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục các biện pháp đáp trả và có hành động để ngăn chặn làn sóng hàng hóa nhập khẩu bị chuyển hướng từ Mỹ”.
Dự kiến, các biện pháp trả đũa đầu tiên của EU sẽ được thông qua trong tuần này. Việc thu thuế sẽ bắt đầu từ ngày 15/4, và đợt thứ hai bắt đầu sau đó một tháng.
Chris Swonger, Giám đốc điều hành Hội đồng Rượu mạnh Mỹ, cho biết: “Việc bourbon bị loại khỏi danh sách hàng hóa bị áp thuế của EU là tin rất đáng mừng, và chúng tôi hy vọng điều này là sự thật. Đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới việc khôi phục mức thuế bằng 0 giữa hai bên và gỡ bỏ các sản phẩm rượu khỏi vòng xoáy tranh chấp thương mại.”
EU vẫn để ngỏ mọi lựa chọn đáp trả
EU dự kiến sẽ công bố gói biện pháp đáp trả lớn hơn vào cuối tháng 4, nhằm phản ứng lại mức thuế của Mỹ đối với ô tô và các mặt hàng khác.
Ông Sefcovic cho biết EU sẵn sàng cân nhắc mọi phương án trả đũa, trong đó có việc sử dụng “Công cụ chống ép buộc” (Anti-Coercion Instrument), cho phép khối nhắm vào các dịch vụ của Mỹ hoặc hạn chế khả năng các công ty Mỹ tiếp cận các gói thầu công tại châu Âu.
“Chúng tôi sẵn sàng sử dụng mọi công cụ để bảo vệ thị trường chung”, ông nhấn mạnh, đồng quan điểm với Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin.
Trong cuộc chiến thuế quan, Brussels có ít lựa chọn hơn Washington, khi tổng giá trị hàng hóa EU nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2024 là 334 tỷ euro (366,2 tỷ USD), trong khi EU xuất khẩu sang Mỹ tới 532 tỷ euro.
Một số quốc gia EU – đặc biệt là các nước có quan hệ thương mại lớn với Mỹ – kêu gọi thận trọng. Ngoại trưởng Ireland Simon Harris ví Công cụ chống ép buộc như một “vũ khí hạt nhân”.
Ông Baranowski cho biết các nước thành viên EU đồng thuận để ngỏ mọi phương án, nhấn mạnh nguyên tắc “tương xứng”. “Có nhiều ý tưởng được đưa ra. Một số nước nhắc đến các dịch vụ, số khác thì không. Có nước đề xuất áp thuế lên dịch vụ số, nước khác thì không,” ông nói.
Bộ trưởng Kinh tế sắp mãn nhiệm của Đức, ông Robert Habeck, cho rằng EU nên nhận thức được sức mạnh của mình, nếu giữ được sự đoàn kết. “Thị trường chứng khoán Mỹ đang sụt giảm và thiệt hại có thể còn lớn hơn nữa… Mỹ đang ở thế yếu”, ông phát biểu tại Luxembourg.
>> Ông Trump gây áp lực: ‘Không có lạm phát, Fed nên cắt giảm lãi suất ngay!’