EU khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn của Việt Nam
Giai đoạn điều tra hành vi bán phá giá được xác định từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhựa polyethylene terephthalate (PET) có xuất xứ từ Việt Nam. Quyết định được đưa ra ngày 22/5, sau khi tổ chức PET Europe – đại diện cho ngành sản xuất PET tại Liên minh châu Âu – nộp đơn khiếu nại.
Cuộc điều tra nhằm xác minh liệu sản phẩm nhựa PET của Việt Nam – loại có độ nhớt từ 78 ml/g trở lên (theo tiêu chuẩn ISO 1628-5, mã HS 39076100) – có đang được bán với giá thấp bất thường tại thị trường EU hay không. Theo cáo buộc, biên độ phá giá dao động từ 11% đến 19%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất nội khối.
Giai đoạn điều tra hành vi bán phá giá được xác định từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024, thiệt hại sẽ được đánh giá trong khoảng thời gian từ 1/1/2021 đến hết năm 2024. Thời hạn xử lý vụ việc dự kiến kéo dài 12 tháng kể từ ngày khởi xướng, và có thể được gia hạn nhưng không quá 14 tháng.
Theo số liệu từ nguyên đơn, trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 402.545 tấn nhựa PET sang EU – một con số đáng kể cho thấy quy mô ảnh hưởng của vụ việc.
![]() |
Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 402.545 tấn nhựa PET sang EU. Ảnh minh hoạ |
>> Một mặt hàng thủy sản Việt Nam đang 'hái ra tiền' tại Nga
Trước diễn biến này, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp liên quan cần chủ động rà soát hoạt động xuất khẩu, nghiên cứu kỹ các tài liệu điều tra từ EC và tuân thủ đầy đủ yêu cầu cung cấp thông tin theo đúng thời hạn và thể thức quy định.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần giữ liên lạc thường xuyên với Cục để được hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật kịp thời, đảm bảo bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng trong quá trình điều tra.
Việc EU mở cuộc điều tra này không chỉ là cảnh báo đối với riêng ngành nhựa PET, mà còn phản ánh xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, cần nâng cao năng lực phòng vệ và tuân thủ chuẩn mực quốc tế nếu muốn trụ vững trên các thị trường lớn.
>> Một 'mỏ vàng dưới nước' vừa mang về cho Việt Nam hơn 1,3 tỷ USD: Mỹ, Trung Quốc đua nhau săn lùng