Gần 1.700 hộ dân tại Khánh Hòa sắp bị thu hồi đất, nhường chỗ cho đại dự án hơn 67 tỷ USD
Để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh dự kiến sẽ sử dụng 28 khu tái định cư, gồm 13 khu sẵn có và 15 khu xây mới hoặc mở rộng với tổng diện tích khoảng 61,2ha.
Theo Báo Khánh Hòa, ngày 28/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ban, ngành để nghe báo cáo tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, dự án có điểm đầu tại xã Đại Lãnh (giáp tỉnh Đắk Lắk) và điểm cuối tại xã Phước Hà (giáp tỉnh Lâm Đồng), đi qua tổng cộng 29 xã, phường với chiều dài khoảng 191,8km.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tuyến đường sắt dự kiến bố trí 2 ga hành khách tại Diên Khánh (xã Diên Lạc) và Tháp Chàm (phường Bảo An); 1 ga hàng hóa tại xã Bắc Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa) kết nối với Khu Kinh tế Vân Phong.
Ngoài ra, dự án còn có 4 trạm bảo dưỡng đặt tại các xã Vạn Ninh, Cam An, Ninh Hải và Phước Hà; cùng 2 depot: Depot Diên Khánh (xã Diên Điền) phục vụ khu đoạn Nha Trang - TP. HCM và depot Vân Phong (xã Bắc Ninh Hòa) phục vụ khai thác tàu hàng khu vực Chu Lai - Vân Phong.
>> Tỉnh hẹp nhất Việt Nam cần hơn 17.000 tỷ cho công tác GPMB phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, ngày 23/7, Sở đã chủ trì cuộc họp với các ban quản lý dự án của tỉnh và 29 địa phương có tuyến đường đi qua để phân công trách nhiệm chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật và thực hiện giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở số liệu do các địa phương cung cấp, Sở đã tổng hợp sơ bộ tình hình ảnh hưởng của dự án: toàn tỉnh có khoảng 2.134ha đất bị thu hồi, ảnh hưởng đến 5.465 hộ dân và 36 tổ chức; trong đó, 1.680 hộ cần bố trí tái định cư.
Để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh dự kiến sẽ sử dụng 28 khu tái định cư, gồm 13 khu sẵn có và 15 khu xây mới hoặc mở rộng với tổng diện tích khoảng 61,2ha.
Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 12/2026, các cơ quan, đơn vị và địa phương sẽ tiến hành kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư.
Việc chi trả bồi thường, hỗ trợ và thực hiện tái định cư sẽ được triển khai từ tháng 6/2026 đến tháng 6/2028.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam thống nhất giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho ba đơn vị: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh, phụ trách thực hiện ba dự án thành phần liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đối với 5 khu tái định cư ở khu vực phía Nam tỉnh, ông Nam cho biết sẽ trực tiếp đi kiểm tra thực tế để có chỉ đạo kịp thời, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng.
Ông cũng đề nghị Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm có ý kiến góp ý về việc xây dựng khu tái định cư, phương án bồi thường, thu hồi đất, khai thác mỏ vật liệu và kế hoạch bố trí vốn.
Văn phòng UBND tỉnh được giao tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án để phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Các ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ cần nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Được biết, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15, chính thức quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án có tổng chiều dài 1.541km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến sẽ được xây dựng mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Tổng thể dự án bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, hệ thống phương tiện, thiết bị đồng bộ. Tuyến đường sắt này được thiết kế chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng cho quốc phòng, an ninh và có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, dự án áp dụng mô hình đường sắt chạy trên ray, sử dụng hệ thống điện khí hóa, đảm bảo hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính khoảng 67,34 tỷ USD, từ nguồn ngân sách Nhà nước, bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về sử dụng đất, dự án cần khoảng 10.827ha, trong đó có 3.655ha đất trồng lúa, 2.567ha đất lâm nghiệp và 4.605ha thuộc các loại đất khác theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024. Riêng nhu cầu tái định cư, dự kiến khoảng 120.000 hộ dân sẽ phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng.
>> Hơn 2.000 hộ dân tại Đà Nẵng sắp bị thu hồi đất, nhường chỗ cho đại dự án hơn 67 tỷ USD