Để kiểm soát thị trường bất động sản, “ghìm cương” giá đất, các cơ quan chức năng đã mạnh tay “siết” dòng vốn tín dụng vào địa ốc cũng như thủ tục pháp lý dự án, các chính sách thuế… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc này nếu không cẩn thận sẽ “già néo đứt dây”.
Nguồn cung khan hiếm
Thị trường bất động sản đã sốt nóng từ năm 2021, mạnh mẽ vào khoảng cuối năm cho đến nay. Người mua nhà vốn đã khó khăn về tài chính thì nay càng thêm khó khăn hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản cũng khó khăn không kém, nhất là các doanh nghiệp môi giới.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu mua nhà trong tương lai của người dân vẫn rất lớn. Thế nhưng thực tế đang ghi nhận cung không đủ cầu.
Cụ thể, trong khi nhu cầu đầu tư, nhu cầu nhà ở rất nhiều thì doanh nghiệp lại không có sản phẩm để bán. Từ đầu năm, nhiều đơn vị kinh doah địa ốc phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm sản phẩm phân phối, nhưng kết quả là phần lớn chủ đầu tư không có hàng hoặc dự án chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định.
Để gỡ gạc lại, nhiều doanh nghiệp chơi bài “đánh bắt xa bờ”, chuyển sang các thị trường lân cận hoặc đi trước đón đầu các dự án rục rịch ra hàng. Mặc dù vậy, tình trạng cũng không khá khẩm hơn do nhiều địa phương đồng loạt có những chính sách siết chặt hơn đối với bất động sản.
Khảo sát thị trường cho thấy, thời gian qua, các giao dịch tập trung chủ yếu ở phân khúc nhà ở đã hình thành trong các khu dân cư, đất vườn, đất nông nghiệp, còn đất dự án hầu hết là hàng thứ cấp đã hoàn thiện pháp lý cách đây nhiều năm. Do đó, nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài, không chỉ doanh nghiệp mà cả nhà đầu tư cũng “ngộp thở”.
Kiểm soát thị trường ra sao?
Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận thị trường bất động sản thời gian qua có sự bùng nổ về nhu cầu, nhưng cũng đồng thời xuất hiện tình trạng giới đầu cơ lợi dụng nhu cầu tăng cao để lập đội, nhóm tung chiêu đồn thổi thông tin quy hoạch, đẩy giá đất lên cao, gây nhiễu loạn thị trường.
Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng xảy ra cục bộ ở một số khu vực và đối với đất dân cư, đất nông - lâm nghiệp, chứ không phải sản phẩm trong các dự án được quy hoạch đàng hoàng nên không mang tính đại diện thị trường.
Để kiểm soát thị trường và “ghìm cương” giá đất, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã mạnh tay “siết” dòng vốn tín dụng vào địa ốc cũng như thủ tục pháp lý dự án, các chính sách thuế…
Thế nhưng, theo các chuyên gia, bất động sản cũng là một loại hàng hóa. Vì vậy, việc giám sát cần sự linh hoạt và mang tính thị trường nhiều hơn là các biện pháp hành chính. Đặc biệt, cần tránh “già néo đứt dây” khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn.
Theo lãnh đạo một công ty bất động sản lớn tại TP. HCM, để giá nhà đất ổn định trở lại, điều cần ưu tiên lúc này là tháo gỡ nút thắt nguồn cung. Muốn vậy, các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào điều này, trong đó quan trọng là nguồn cung nhà xã hội cho thuê. Song song với đó, cần thực hiện nghiêm các chính sách thuế để chống đầu cơ, điều tiết thu nhập của những người có nhiều nhà cho thuê để lấy nguồn đó hỗ trợ đồng thời, cũng cần khuyến khích việc sở hữu căn nhà đầu tiên cho lao động trẻ thông qua chính sách lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay…
Nhận định về thị trường trong tương lai, nhiều chuyên gia cho rằng, trong những năm tới, khi hệ thống hạ tầng kết nối các vùng miền hoàn thiện hơn, các đô thị ở Việt Nam cũng sẽ giống như các nước phát triển, khoảng cách đi lại vài trăm km không còn là vấn đề lớn. Khi đó, câu chuyện làm việc tại các địa phương xa đô thị lớn sẽ phổ biến hơn, từ đó kéo theo nhu cầu về bất động sản cũng tăng lên.
Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ hơn pháp lý dự án cũng như vốn tín dụng chảy vào bất động sản dù có ý nghĩa giúp “ghìm cương” giá nhà, thế nhưng nếu "thuốc quá liều" có thể khiến căn bệnh khan hiếm nguồn cung trở nên trầm trọng hơn...
Nhà triệu USD ngày càng nhiều, nhà ở bình dân tìm không ra!
Tồn kho bất động sản phình to, giá nhà đất vẫn tăng liên tục