Đây là động thái mới nhất của OPEC+ trong nỗ lực hỗ trợ sự ổn định ngắn hạn của thị trường dầu thô.
Mới đây, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) đã đồng ý gia hạn cắt giảm nguồn cung cho đến quý II/2024 nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu và hỗ trợ giá.
Sau thông tin này, giá dầu ngay lập tức giảm khá mạnh và đến phiên hôm nay (5/3) vẫn tiếp tục suy giảm. Sáng nay, giá dầu Brent giảm xuống còn gần 83 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức dưới 79 USD/thùng.
>> Giá xăng bật tăng trở lại, RON95 áp sát 24.000 đồng/lít
Trước đó vào ngày 3/3, OPEC+ thông báo rằng việc cắt giảm sản lượng dầu 2,2 triệu thùng mỗi ngày đã được lên kế hoạch cho quý đầu năm 2024 sẽ tiếp tục được thực hiện trong quý tiếp theo.
Cụ thể, Saudi Arabia dự kiến kéo dài thời gian cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối quý II/2024, đồng nghĩa sản lượng dầu thô của họ sẽ ở mức xấp xỉ 9 triệu thùng/ngày.
Giá dầu trong những tháng qua. Ảnh: CNBC |
Trong khi đó Nga, một quốc gia khác thuộc OPEC+, tuyên bố cắt giảm sản lượng cho đến cuối tháng 6.
Được biết Moscow đã tình nguyện giảm nguồn cung xuống 500.000 thùng/ngày trong quý đầu tiên. Các nhà sản xuất chính khác là Iraq và UAE cũng gia hạn mức cắt giảm sản lượng lần lượt là 220.000 thùng/ngày và 163.000 thùng/ngày.
Phó Chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, ông Jorge Leon, nhận xét: “Động thái mới này của OPEC+ cho thấy sự đoàn kết mạnh mẽ trong nhóm, vốn bị nghi ngờ sau cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 11/2023 khi Angola rời OPEC”.
Ông nói, việc gia hạn thể hiện “quyết tâm mạnh mẽ” nhằm bảo vệ mức giá sàn trên 80 USD/thùng trong quý II/2024. Đồng thời, vị phó Chủ tịch lưu ý rằng nếu OPEC+ dỡ bỏ lệnh cắt giảm quá nhanh, giá dầu sẽ tụt xuống còn 77 USD/thùng vào tháng 5.
Ông nói: “Động thái như vậy của OPEC+ cũng có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy triển vọng nhu cầu trong quý II/2024 kém lạc quan hơn so với dự đoán năm ngoái”.
Giá dầu đã suy yếu và dao động trong phạm vi hẹp từ 75 đến 85 USD/thùng kể từ đầu năm, bất chấp việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+, các cuộc tấn công hàng hải dai dẳng của Houthi ở khu vực Biển Đỏ và những rủi ro địa chính trị đang diễn ra giữa Israel và Hamas.