Vĩ mô

Giá điện tăng 4,8%: Người dân lo lắng, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa

Phúc Lam 12/05/2025 14:46

Từ ngày 10/5/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức điều chỉnh mức giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, nâng mức giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh.

Theo EVN, cơ sở của đợt điều chỉnh giá lần này là do chi phí sản xuất và mua điện tăng cao, đặc biệt khi tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ như thủy điện giảm đáng kể vì ảnh hưởng thời tiết. Trong khi đó, sản lượng từ các nhà máy điện than, khí và dầu - vốn có giá thành cao hơn lại tăng mạnh.

EVN khẳng định mức điều chỉnh sẽ chỉ làm tăng CPI khoảng 0,09%. Với các hộ dân sử dụng dưới 50kWh/tháng, tiền điện tăng thêm khoảng 4.550 đồng. Các hộ dùng từ 400kWh trở lên sẽ chi trả thêm khoảng 65.050 đồng mỗi tháng.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện này về cơ bản sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.

Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

Chia sẻ với báo Người Lao Động, chị Thùy Linh, người thuê trọ tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, mỗi kWh điện đang phải trả 5.000 đồng. Chị Linh lo lắng: “Không biết sau lần điều chỉnh này, chủ nhà trọ có tăng thêm giá điện không".

Chị Linh chia sẻ thêm: “Mỗi lần tăng giá điện là tôi giật mình. Ban ngày đi làm, ban đêm về chỉ dám bật điều hòa vài tiếng mà tiền điện đã lên tới hơn 1 triệu đồng/tháng".

>>Cục trưởng Cục Quản lý giá: Không minh bạch giá điện, tăng 4,8% cũng chưa chắc cứu được khoản lỗ 18.000 tỷ

Giá điện tăng 4,8%: Người dân lo lắng, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa
Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Thanh Niên

Về phía các doanh nghiệp, chia sẻ với báo Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương Mại Thuận Phước cho biết, ngành chế biến thủy sản có đặc thù là sử dụng rất nhiều điện, nhất là phải duy trì liên tục kho lạnh cấp đông.

Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả trung bình khoảng 1,5-2 tỷ đồng tiền điện, phụ thuộc vào sản lượng sản xuất và mức tiêu thụ điện năng thực tế.

Ông Lĩnh cho biết, giá bán lẻ điện cho kinh doanh tăng thêm đáng kể từ ngày 10/5, theo tính toán của doanh nghiệp này, điều này có thể khiến doanh nghiệp phát sinh thêm khoảng cả trăm triệu tiền điện mỗi tháng.

Ông Lĩnh chia sẻ: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu sức ép từ thị trường xuất khẩu, áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ, đây như là một cú bồi khiến doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tác động trước mắt dễ nhận thấy nhất là chi phí sản xuất tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm của doanh nghiệp tăng lên khiến doanh nghiệp suy giảm về lợi nhuận. Về lâu dài, điều này sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là khi thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn”.

Bên cạnh đó, chia sẻ với Vnbusiness, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, ngành dệt may – vốn sử dụng máy móc và năng lượng cao trong các công đoạn như dệt, nhuộm đang phải gồng mình vì chi phí đầu vào tăng.

Ông Việt nói: “Giá điện tăng góp phần đẩy giá thành sản phẩm lên, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế”.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng trong tâm thế lo lắng trước diễn biến giá điện tăng, nhất là trong thời điểm nắng nóng đang đạt đỉnh.

>>Muốn tăng trưởng GDP 8%, Việt Nam phải giải xong bài toán giá điện

Từ ngày mai 10/5, giá điện tăng 4,8%, lên hơn 2.200 đồng/kWh

Vì sao giá điện cần được 'thả nổi'? Chuyên gia chỉ ra 3 bất cập lớn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-dien-tang-48-nguoi-dan-lo-lang-doanh-nghiep-nhu-ngoi-tren-dong-lua-289409.html
Bài liên quan
  • 3 bất cập lớn về giá điện
    Giá điện ở Việt Nam hiện gánh quá nhiều mục tiêu khiến khó thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.
  • Tin mới về 'lùm xùm' giá điện tạm thời, vướng mắc dự án năng lượng tái tạo
    Theo lãnh đạo Cục Điện lực - Bộ Công Thương, qua rà soát bộ nhận thấy mức giá tạm tính chưa thực sự phù hợp và yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục nghiên cứu, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
  • EVN áp giá điện tạm tính, loạt nhà đầu tư điện tái tạo phản đối
    Việc Công ty mua bán điện đề xuất áp dụng giá tạm tính đối với các dự án điện tái tạo khiến hơn 100 dự án điện tái tạo có nguy cơ vỡ nợ. Công ty mua bán điện đã tổ chức đối thoại để tìm phương án nhưng cả 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá điện tăng 4,8%: Người dân lo lắng, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa
    POWERED BY ONECMS & INTECH