Gia đình Việt Nam có 3 mẹ con cùng được phong tặng danh hiệu NSND cao quý nhất: Người là Giáo sư đầu ngành, người nhận danh hiệu khi mới 26 tuổi
Đây là một gia đình danh giá, có truyền thống về nghệ thuật lâu đời. Nhiều thành viên đã có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nước nhà.
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) là danh hiệu cao quý nhất mà Nhà nước trao tặng cho các nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Danh hiệu này được công bố lần đầu vào năm 1984, tính đến nay, đã có 9 đợt trao tặng vào các năm: 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015 và 2019.
Trong số gần 500 NSND, có một gia đình hiếm hoi mà cả ba mẹ con đều được phong tặng danh hiệu cao quý này, đó là gia đình cố NSND Thái Thị Liên - NSND Trần Bạch Thu Hà và NSND Đặng Thái Sơn.
Cố NSND Thái Thị Liên - Người thầy của những người thầy
Nghệ sĩ piano bậc thầy Thái Thị Liên sinh ra trong gia đình có 7 người con, nổi tiếng và giàu có ở miền Nam.
Cha của bà, kỹ sư Thái Văn Lân, là một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Anh trai của bà là luật sư Thái Văn Lung, một nhà hoạt động cách mạng, đã hy sinh năm 1946 và tên của ông được đặt cho một con đường tại trung tâm TP. HCM. Chị gái của bà, nghệ sĩ Thái Thị Lang, là nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam và là nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris, từng lưu diễn khắp thế giới.
Từ khi lên 4 tuổi, Thái Thị Liên đã được học đàn piano. Sau này, bà sang Pháp du học và đỗ vào Nhạc viện Paris. Trong thời gian ở Pháp, bà gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Thế giới và gặp ông Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp, rồi kết hôn với ông.
Năm 1948, bà theo chồng chuyển đến sống tại Praha (Tiệp Khắc cũ) và trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Praha.
Năm 1951, sau khi sinh con gái đầu lòng Trần Thu Hà, bà cùng chồng trở về sống ở chiến khu Việt Bắc, nơi bà dạy ký xướng âm cho đoàn văn nghệ và thỉnh thoảng chỉ huy dàn hợp xướng. Chồng bà, ông Trần Ngọc Danh, nhà cách mạng lão thành, nhiều năm bị thực dân Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo mất vì bệnh lao khi bà mang thai con thứ hai là Trần Thanh Bình.
Năm 1955, bà cùng 7 nghệ sĩ khác lập nên Trường Âm nhạc Việt Nam (sau này là Nhạc viện Hà Nội). Bà trở thành Chủ nhiệm khoa Piano đầu tiên của nhạc viện cho đến khi nghỉ hưu năm 1980. Bà cũng là một trong những người sáng lập Đoàn Ca múa nhạc nhân dân Trung ương (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
Sau khi chồng mất, bà đi bước nữa với nhạc sĩ, thi sĩ Đặng Đình Hưng. Năm 1958, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng vướng vào vụ “Nhân văn giai phẩm” khi bà mang thai Đặng Thái Sơn. Một mình bà chăm lo, nuôi nấng, dạy dỗ 3 người con của mình và người con riêng của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng.
Sau này, cả Trần Thu Hà, Đặng Thái Sơn và Đặng Hồng Quang (con riêng của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng) đều trở thành những nghệ sĩ piano nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
NSND Trần Bạch Thu Hà - Giáo sư đầu ngành piano của Việt Nam
Giáo sư, NSND Trần Bạch Thu Hà sinh năm 1949, bà là con gái đầu lòng của NSND, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên và nhà cách mạng Trần Ngọc Danh.
Năm 1969, bà được tuyển chọn đi du học đại học ngành Âm nhạc tại Kiev trong 6 năm. Sau 8 năm về nước làm việc, năm 1984, bà Hà được trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ Âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovski, Moskva.
Kể từ khi tốt nghiệp đại học âm nhạc tại Liên Xô, Giáo sư, NSND Trần Thu Hà đã đóng góp to lớn cho sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam nói chung và chuyên ngành piano nói riêng trên cả ba lĩnh vực công tác: đào tạo, biểu diễn và quản lý.
Nhiều học trò của bà trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Hoàng Phương (giải Nhất cuộc thi tài năng trẻ dương cầm quốc tế năm 1999 tại Nhật Bản); Trần Thái Linh (giải Nhất đồng đội tại cuộc thi hòa tấu kèn - piano châu Á tổ chức tại Thái Lan năm 2005); Lưu Hồng Quang (Giải Đặc biệt trong cuộc thi piano mang tên Chopin châu Á năm 2006)...
Bà từng nắm giữ vị trí Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI. Với những cống hiến miệt mài, tâm huyết, nghệ sĩ Trần Thu Hà được phong Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam.
Ngoài giảng dạy, đào tạo các tài năng âm nhạc piano, Giáo sư Trần Thu Hà còn là nghệ sĩ piano của nhóm nhạc cổ điển Ngũ tấu Hà Nội, được xem là hiện tượng của âm nhạc Việt Nam đương đại.
NSND Đặng Thái Sơn - NSND trẻ nhất Việt Nam
Sinh năm 1958 trong một gia đình danh giá, có truyền thống về nghệ thuật, Đặng Thái Sơn là người Việt Nam đầu tiên trở thành nghệ sĩ piano đẳng cấp quốc tế.
Là con nhà nòi, nên từ năm 4 tuổi, Đặng Thái Sơn đã học piano với mẹ. Khi lên 7 tuổi, Đặng Thái Sơn theo học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1974, ông được nhạc sĩ dương cầm Isaac Katz phát hiện tài năng, đến năm 1976 thì được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva.
Năm 1980, Đặng Thái Sơn là một trong ba người đại diện trường tham dự cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ 10 tổ chức ở Ba Lan. Với màn thể hiện xuất sắc, ông đã giành giải Nhất cuộc thi, cũng là nghệ sĩ châu Á đầu tiên nhận giải thưởng này.
Ngay sau khi đạt giải, Đặng Thái Sơn được phong tặng danh hiệu NSND. Cho đến nay, ông vẫn là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất, đặc biệt nhất được phong NSND khi mới 26 tuổi.
Ngoài ra, Đặng Thái Sơn còn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, được Bộ Văn hóa Ba Lan tặng Huy chương Vàng Công huân về văn hóa năm 2018.
Năm 1991, NSND Đặng Thái Sơn sang Canada định cư và dạy âm nhạc ở Đại học Montreal. Ngoài công việc giảng dạy, ông đã đi đến hơn 40 nước ở các châu lục Âu, Á, Mỹ, Úc... để trình diễn cùng hàng trăm dàn nhạc nổi tiếng thế giới. Nam nghệ sĩ cũng là giám khảo của nhiều cuộc thi âm nhạc uy tín và là người Á Đông đầu tiên được chọn vào ban giám khảo giải Concours Chopin năm 2005.