Chịu tác động kép từ nhu cầu tiêu thụ yếu và giá nguyên liệu thấp, đầu ra giá thép xây dựng ít cửa phục hồi.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 4 đạt 711.205 tấn, giảm 22% so với tháng trước và giảm 37% so với tháng 4/2022.
Bán hàng thép xây dựng đạt 735.759 tấn, giảm 17% so với tháng trước và giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 95.100 tấn, chỉ giảm 45,5% so với tháng 4/2022.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản xuất và bán hàng thép xây dựng đạt lần lượt gần 3,5 triệu tấn và 3,4 triệu tấn, cùng giảm 26% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 517.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 4/2023. Nguồn: VSA |
Nhu cầu suy yếu khiến thép khó tăng giá
VSA nhận định, nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.
Riêng trong tháng 4/2023, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 3 lần, tần suất giảm 1 lần/tuần nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu.
Trong đợt giảm giá ngày 19/4, nhiều doanh nghiệp đồng thời thực hiện bảo lãnh giá cho hàng đã bán ra một tuần trước đó và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Điều này cho thấy xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới.
Về thị phần, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu về thép xây dựng, chiếm gần 32,2% tiêu thụ xây dựng thép cả nước, tuy nhiên con số này đang có xu hướng giảm nhẹ so với những tháng trước.
Giá nguyên liệu thép kéo dài đà giảm
Sau khi tăng nhẹ vào 2 tháng đầu năm, giá nguyên liệu sản xuất thép trong tháng 3, tháng 4 đã đảo chiều và lao dốc khi thị trường trầm lắng, nhu cầu tiêu thụ thép của các nền kinh tế tiếp tục đi xuống trong nửa cuối năm 2023.
Theo đó, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 8/5 giao dịch ở mức 110 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm nhẹ khoảng 10 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4.
Ngoài ra, giá đầu thầu thép phế từ hợp tác xã Kanto (Nhật Bản) trong đầu tháng 5 tiếp tục giảm mạnh. Đã có khoảng 20.500 tấn phế liệu từ được giao dịch thành công trong phiên đấu thầu Kanto trong tháng 5 với giá giảm khoảng 32 USD/tấn so với tháng trước. Với mức giảm này cùng với triển vọng thị trường yếu ở nội địa Nhật và các thị trường khác, khả năng giá chào trong tháng tới tiếp tục ở mức thấp.
Tương tự, giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 8/5 ở mức 405 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với đầu tháng 4. Giá thép phế nội địa cũng giảm 400-600 đồng/kg, giữ mức 8.800 – 9.200 đồng/kg.
Nguồn: VSA |
Giá than mở luyện gốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/5 giao dịch ở mức khoảng 241 USD/ tấn FOB, giảm 19 USD/tấn so với đầu tháng 4. Mức giá này đã giảm khoảng 60% so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối quý I/2022.
Ở chiều ngược lại, thị trường than điện cực graphite (GE) dự kiến sẽ tăng trưởng trong dài hạn, giá ở mức ổn định. Giá than điện cực loại UHP450 dao động khoảng 2.930–3.100 USD/tấn CFR Đà Nẵng, tương đối ổn định trong cả quý 1.
Dung Quất 2 sắp vận hành, CTCK thông tin bất ngờ về định giá cổ phiếu Hòa Phát (HPG)
Hòa Phát: Thị trường nội địa mở đường cho tăng trưởng mạnh mẽ năm 2025