Tài chính Ngân hàng

Giá vàng cao chót vót, có nên mua - bán lúc này?

Ngọc Mai 27/10/2024 - 09:35

Sáng nay (27/10), giá vàng nhẫn tiếp tục duy trì ở mức đỉnh lịch sử 89 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cũng cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng và không chạy theo tâm lý đám đông.

Công ty Vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 87,9 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn 87,48 - 88,98 triệu đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá nhẫn tròn 87 - 88,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC được nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết 89 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.747 USD/ounce. Giá vàng thế giới tương đương 83 triệu đồng/lượng.

Giá vàng cao chót vót, có nên mua - bán lúc này? ảnh 1
Giá vàng trong nước tăng liên tục theo giá thế giới (ảnh: Như Ý).

Giá vàng nhẫn tăng liên tục theo sát giá vàng thế giới còn giá vàng miếng SJC điều chỉnh theo giá bán của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều tháng nay, việc mua vàng miếng SJC hay vàng nhẫn qua các kênh chính thống khó khăn nên nhiều người tìm cách mua vàng trên thị trường “tự do”. Giá trên thị trường tự do cao hơn giá niêm yết từ 500.000 - 1 triệu đồng/lượng.

Nhận định về việc giá vàng tăng liên tục thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng nhẫn tăng mạnh thời gian qua là do chịu tác động của giá thế giới và vàng miếng đang bị kiểm soát nên giá ổn định, còn vàng nhẫn "hứng" biến động. Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng của người dân Việt Nam vẫn rất lớn khi vàng được coi như tài sản tích trữ, tiết kiệm.

Hiện tượng khan hiếm vàng miếng, vàng nhẫn thời gian qua có thể xuất phát từ việc nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, chờ giá lên cao hơn để bán. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nào cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều này đã diễn ra hơn 10 năm qua. Ngoài ra, việc cơ quan công an triệt phá nhiều đường dây vàng lậu nên nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường rất khan hiếm.

"Nếu thị trường vàng nhẫn vẫn tiếp tục lên cơn "sốt", tôi cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp", ông Hiếu dự đoán.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, giá vàng trong nước tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Những ngày qua, giá vàng thế giới tăng nhanh, vượt mốc 2.700 USD/ounce, sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới giảm lãi suất. “Với lãi suất thấp, nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào vàng thay vì ngoại tệ hay trái phiếu chính phủ. Trước đây, mỗi lần giảm lãi suất, vàng luôn được hỗ trợ”, ông Phương nói. Ngoài ra, giá vàng tăng còn do căng thẳng ở Trung Đông leo thang.

Ông Phương khuyên người dân không nên mua vàng nếu không thật sự cần thiết. Những người nào mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn.

" Mua vàng trong nước lúc này rất dễ "đu đỉnh" nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn. Còn nếu bán chốt lời xong mà giá vẫn tăng tiếp cũng không tiếc vì lợi nhuận vàng nhẫn từ đầu năm tới nay 25 - 30% là mức hấp dẫn ", ông Phương tư vấn.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, vàng nhẫn trơn trước đây thường được mua để làm quà biếu, tặng nhưng nay nhiều người tìm mua để tích lũy tài sản. Tuy nhiên, thời điểm này giá vàng đang tăng cao, khó dự đoán, người dân không nên mua bán vàng số lượng lớn.

Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.255 đồng/USD. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá ở mức 25.197 - 25.467 đồng/USD mua vào - bán ra.

Chuyên gia: Giá vàng có thể vượt mốc 3.000 USD/oz

Giá vàng hôm nay 27/10/2024 đi lên, vàng trong nước neo cao

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/gia-vang-cao-chot-vot-co-nen-mua-ban-luc-nay-post1685955.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá vàng cao chót vót, có nên mua - bán lúc này?
    POWERED BY ONECMS & INTECH