Doanh nghiệp

Giấc mơ 'sáng ăn phở Hà Nội, tối cơm tấm Sài Gòn': Điểm danh những tỉnh, thành có đường sắt cao tốc đi qua

Thảo Đan 25/07/2024 - 08:42

Chiều dài đường sắt cao tốc dự kiến khoảng 1.541km qua 20 tỉnh, thành phố với tốc độ khoảng 350km/h.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đường sắt Việt Nam đã đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 1980-2005. Tuy nhiên, đến nay đường sắt Việt Nam đang mất dần vai trò, thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác.

Ví dụ như hạ tầng đường sắt quốc gia lạc hậu; tiêu chuẩn kỹ thuật thấp; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu; tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông; nguồn nhân lực ngày càng mai một...

Do đó, phát triển đường sắt tốc độ cao nhằm nhằm mở ra không gian mới để phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Ngày 11/7, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất, "qua sông bắc cầu, qua núi khoét hầm, qua ruộng đắp nền"; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350km/h.

Khi đường sắt này hoàn thành, thay vì lựa đi máy bay và đường bộ thì người dân có thể lựa chọn đi tàu tốc độ cao, có thể “ăn sáng ở Hà Nội và ăn trưa tại TP. HCM".

>> Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thua lỗ, UBND Hà Nội lên tiếng

High-speed train on the modern city background. 3d rendering, High Speed train on the road to the modern city, AI Generated 32478055 Stock Photo at Vecteezy
Ảnh minh hoạ

Về công năng vận tải, hiện trên trục giao thông Bắc - Nam đã có 3 tuyến đường bộ (gồm quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc đang được xây dựng), cùng các tuyến đường biển, hàng không, đường sắt.

Do đó, Thủ tướng đề nghị phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải. Nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng - an ninh khi có nhu cầu, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.

Mục tiêu cần phải hoàn thành chiều dài đường sắt tốc độ cao khoảng 1.541km qua 20 tỉnh, thành phố. Thời gian thực hiện khoảng 10 năm, phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành. Tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có khoảng 50-60% chiều dài đi trên cầu cạn và có 23 nhà ga, với ga đầu là ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và ga cuối là ga Thủ Thiêm (TP. HCM).

Dự án đi qua 20 tỉnh thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh HÒa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM.

Các vị trí đặt ga cụ thể được dự kiến (theo lý trình Hà Nội - TP. HCM): ga Ngọc Hồi (gần khu công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) - ga Phủ Lý (cách trung tâm TP Phủ Lý, Hà Nam khoảng 4km) - ga Nam Định (cách trung tâm TP. Nam Định khoảng 6km về phía Tây) - ga Ninh Bình (khu vực Mai Sơn, TP. Ninh Bình).

Sau ga Ninh Bình đến ga Thanh Hóa (tại phường Đông Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 3-4km) và ga Vinh (dự kiến vị trí ga đường sắt hiện nay).

Tiếp đến là ga Hà Tĩnh (nằm ở phía Tây TP. Hà Tĩnh) - ga Vũng Áng (TX. Kỳ Anh) - ga Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) - ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) - ga Huế (phường Xuân Thủy, TP Huế; cách ga hiện tại khoảng 2km) - ga Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cách trung tâm thành phố khoảng 6km, cách sân bay Đà Nẵng khoảng 4km).

Tiếp đến là ga Tam Kỳ (đặt phía Tây TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - ga Quảng Ngãi (TP. Quảng Ngãi) - ga Phù Mỹ (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định để kết nối với TP. Quy Nhơn).

Sau đó đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên, cách trung tâm TP. Tuy Hòa khoảng 8km, cách sân bay Tuy Hòa khoảng 2,2km) - ga Nha Trang (tại xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 4,5km).

Từ ga Nha Trang sẽ đến ga Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận, đặt tại phường Đô Vinh, cách TP. Phan Rang khoảng 5km về phía Tây) - ga Tuy Phong (xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) - ga Phan Thiết (xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết, Bình Thuận).

Từ Bình Thuận sang đến tỉnh Đồng Nai là ga Long Thành (trung tâm sân bay quốc tế Long Thành) và tiếp đến ga cuối là ga Thủ Thiêm (tại quận 2, TP. HCM)...

>> Hơn 55 tỷ USD cho 600km đường sắt đô thị Thủ đô, khi nào mới được thực hiện?

Cần Thơ 'mạnh tay' chi gần 7.300 tỷ đồng để làm tuyến đường dài... 7km

Bình Thuận thu hơn 105 tỷ đồng tiền thuế từ khai thác một loại tài nguyên

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giac-mo-sang-an-pho-ha-noi-toi-com-tam-sai-gon-diem-danh-nhung-tinh-thanh-co-duong-sat-cao-toc-di-qua-243087.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Giấc mơ 'sáng ăn phở Hà Nội, tối cơm tấm Sài Gòn': Điểm danh những tỉnh, thành có đường sắt cao tốc đi qua
POWERED BY ONECMS & INTECH