Giải mã hành động lạ rút lui khỏi hàng loạt đường bay quốc tế của Bamboo Airways
Bamboo Airways mới đây ra thông báo đã và sẽ tạm dừng nhiều tuyến bay quốc tế.
Bamboo Airways dừng khai thác một số đường bay quốc tế
Mới đây Bamboo Airways ra thông báo về việc điều chỉnh chuyến bay. Theo đó, đối với mạng đường bay quốc tế, hãng cho biết sẽ tạm dừng khai thác một số đường bay gồm:
- Hà Nội – London Gatwick (Anh) từ 18/10/2023
- Hà Nội – Incheon (Hàn Quốc) từ 29/10/2023
- TP. Hồ Chí Minh – Sydney/Melbourne (Úc) từ 4/11/2023
- TP. Hồ Chí Minh/Hà Nội – Frankfurt (Đức) từ 4/11/2023
- TP. Hồ Chí Minh – Singapore từ 4/11/2023
- Hà Nội – Bangkok (Thái Lan)/Narita (Nhật Bản)/Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ 8/11/2023
- TP. Hồ Chí Minh - Bangkok (Thái Lan) từ 21/11/2023
Bamboo Airways cho biết với các hành khách bị ảnh hưởng, Bamboo Airways cam kết đảm bảo tối đa quyền và lợi ích chính đáng trong mọi trường hợp. Với các đường bay không nằm trong diện điều chỉnh, hoạt động khai thác của Bamboo Airways đã, đang và sẽ diễn ra bình thường.
Giải mã nguyên nhân Bamboo Airways rút khỏi đường bay quốc tế: Đuối sức hay chiến thuật?
Nhiều người khá bất ngờ trước những thông tin dừng nhiều tuyến bay quốc tế của Bamboo Airways. Nhiều người đã nghĩ đến kịch bản xấu nhất, là việc Bamboo Airways đã đuối sức trên đường đua, tuy vậy một kịch bản khác, là chiến thuật kinh doanh của hãng này cũng được đưa ra.
Đuối sức trên đường đua? Năm 2022 Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ 17.600 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ gần 2.300 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021.
Tuy vậy theo giải trình, số lỗ khổng lồ này một phần lớn do công ty phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỷ đồng và hơn 2.800 tỷ đồng vào dự phòng phải thu dài hạn khó đòi. Riêng 2 khoản trích lập dự phòng này đã chiếm 12.500 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023 tình hình đã khả quan hơn khi các lãnh đạo công ty từng lên tiếng khẳng định "gần về điểm hòa vốn". Cùng với đó, ngày 19/8, Thủ tướng đã giao cho các bộ ngành liên quan hỗ trợ tái cơ cấu Bamboo Airways, theo đó Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thu xếp vốn bằng cách tạo điều kiện cho một ngân hàng phù hợp tham gia với tư cách cổ đông. Và thông tin mới nhất, Sacombank có thể là ngân hàng được nhắc tới.
Như vậy giả thuyết Bamboo Airways đuối sức trên đường đua có vẻ chưa thuyết phục khi ngành hàng không nói chung vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch.
Chiến thuật kinh doanh đỉnh cao? Một kịch bản khác đang được đưa ra, là Bamboo Airways đang dùng chiến thuật kinh doanh đỉnh cao, nhân "sự kiện" khó khăn chung của ngành hàng không để mạnh tay tái cấu trúc.
Về cơ bản, Bamboo Airways từ khi ra mắt đã nhận được sự yêu thích của hành khách, nhiều lần liên tiếp giữ vững TOP cao trong các hãng hàng không đúng giờ.
Cuối tháng 9 vừa qua Bamboo Airways đưa thông báo đã hoàn thành việc tái cơ cấu mạng bay sau hai tháng thực hiện, trong đó tập trung vào việc cắt giảm một số đường bay và giảm tần suất bay ở các tuyến không hiệu quả. Ngoài ra, việc giảm bớt một số tàu bay giá thuê cao, không hiệu quả cũng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của hãng.
Mạnh tay cắt giảm tuyến bay không hiệu quả, giảm bớt số tàu bay giá thuê cao, Bamboo Airways đang "mượn gió" để cắt giảm chi phí và cắt giảm những mảng kinh doanh không hiệu quả.
Một trong những luận điểm vững chắc nhất cho kịch bản này là việc hãng ra luôn thông báo đính kèm, là để tập trung nguồn lực nhằm đảm bảo khai thác ổn định từ tháng 11/2023, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm cuối năm và Tết Nguyên Đán 2024... giai đoạn từ nay đến 30/3/2024.
Như vậy, kịch bản Bamboo Airways mạnh tay cắt giảm mảng bay quốc tế đầy tốn kém, tập trung nguồn lực khai thác đường bay nội địa, đánh thẳng vào nhu cầu đi lại của hành khách dịp tết, dịp lễ từ nay đến 30/4/2024 dễ thuyết phục hơn.