Giảm thuế với Trung Quốc, ép Ukraine nhượng bộ, nhận ‘quà’ từ Qatar: Ông Trump đang tính nước cờ gì?
Một bước tiến trong đàm phán thương mại với Trung Quốc mang lại cú hích chính trị đáng kể cho Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh ông khởi động nhiệm kỳ hai bằng loạt nỗ lực ngoại giao rộng khắp, trải dài từ Ukraine, Nga, Iran đến Trung Đông và các đối thủ thương mại lớn trên toàn cầu.
Hôm qua, 2 cường quốc thế kỷ 21 - Mỹ và Trung Quốc - vừa đạt được thỏa thuận giảm đáng kể mức thuế đối ứng sẽ áp lên hàng hóa nhập khẩu giữa 2 nước. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ xoa dịu phần nào những bất ổn kinh tế toàn cầu do chính sách đối đầu của ông Trump gây ra.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ hai, câu hỏi đặt ra là: liệu cơn lốc ngoại giao này có thực sự củng cố vị thế chiến lược của Mỹ, hay sẽ phản tác dụng, làm tổn hại liên minh và tạo lợi thế cho đối thủ?

Đàm phán nhiều mặt trận, nhưng kết quả mong manh
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gặp phái đoàn Trung Quốc tại Thụy Sĩ, đạt được thỏa thuận giảm 115 điểm phần trăm thuế quan mà hai bên đã áp đặt lẫn nhau. Dù được Nhà Trắng ca ngợi là chiến thắng lớn, giới chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng Mỹ vẫn sẽ chịu thiệt vì giá hàng hóa Trung Quốc tăng cao.

Trong khi đó tại Oman, Ngoại trưởng Marco Rubio cùng Phó Tổng thống JD Vance tham gia vòng đàm phán gay gắt nhưng chưa có kết quả với Iran về chương trình hạt nhân. Cũng trong tuần, chính quyền Trump tuyên bố đã giúp đạt thỏa thuận ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan – vốn căng thẳng leo thang nghiêm trọng chỉ vài ngày trước.
Ông Trump còn gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đồng ý gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp việc điều này giúp Moscow nâng vị thế ngoại giao. Đồng thời, Hamas tuyên bố sẽ phóng thích con tin cuối cùng mang quốc tịch Mỹ tại Gaza, trong động thái được cho là phục vụ kế hoạch gây sức ép với Israel trước thềm chuyến công du Trung Đông của ông Trump.
Tổng thống Mỹ cũng vừa ký kết một hiệp định thương mại với Anh – dù phần lớn hàng hóa Anh vẫn bị áp thuế 10%, khiến thỏa thuận này bị đánh giá là không đáp ứng kỳ vọng ban đầu.
Loạt nỗ lực ngoại giao nói trên đều mang dấu ấn cá nhân sâu sắc của ông Trump. Nhiều cuộc đàm phán quan trọng được dẫn dắt bởi những người không có kinh nghiệm ngoại giao, như Steve Witkoff – nhà đầu tư bất động sản thân cận của Tổng thống – người đang phụ trách hồ sơ Trung Đông, Ukraine và Iran.
Tính khí thất thường của ông Trump là rủi ro lớn nhất. Việc ông đột ngột nâng thuế nhập khẩu Trung Quốc lên 145% khiến một trong những quan hệ thương mại quan trọng nhất thế giới suýt bị phá vỡ hoàn toàn. Sau đó ông lại nhanh chóng tuyên bố sẵn sàng giảm thuế xuống 80% ngay trước thềm đàm phán – cách làm khiến thị trường tài chính chao đảo, đẩy nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ lên cao.
Nhiều thành công tạm thời chỉ mang tính chữa cháy cho các khủng hoảng mà ông Trump đã tự tạo ra trong nhiệm kỳ đầu. Việc ông từng phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, nay lại tìm cách đàm phán lại, là một ví dụ.
Sự cá nhân hóa quá mức chính sách đối ngoại cũng khiến các đồng minh mất niềm tin. Một số chính phủ châu Âu đang xem xét thiết lập các liên minh an ninh riêng, thay vì tiếp tục dựa vào Mỹ. Căng thẳng đặc biệt gia tăng sau khi ông Trump đe dọa “sáp nhập” Canada, buộc Thủ tướng Mark Carney phải bác bỏ thẳng thừng.

Bên cạnh đó là loạt nghi vấn đạo đức. CNN tiết lộ ông Trump có thể nhận “quà tặng” là chiếc máy bay 747-8 trị giá hàng trăm triệu USD từ Qatar – với kế hoạch sử dụng nó làm chuyên cơ tổng thống và sau đó là tài sản cá nhân sau khi mãn nhiệm. Nếu đúng, đây có thể là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ.
Trong vấn đề Ukraine, việc ép Kiev chia sẻ doanh thu khai thác khoáng sản với Mỹ để đổi lấy viện trợ đang khiến dư luận liên tưởng tới thời kỳ thuộc địa.
Thành tích hay canh bạc rủi ro?
Chính quyền Trump tuyên bố đã đạt được những bước tiến ngoại giao quan trọng cuối tuần qua. Nhưng hiệu quả thực chất vẫn gây tranh cãi.
Thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc sẽ kéo dài 90 ngày, với mức thuế 30% được kỳ vọng giúp nối lại dòng thương mại đã gần như đóng băng. Tuy nhiên, mục tiêu đưa sản xuất và việc làm quay về Mỹ xem ra vẫn xa vời.
Tại Trung Đông, chiến lược của ông Trump đối với Gaza – với đề xuất xây dựng “Riviera Trung Đông” bằng cách tái định cư người Palestine – không chỉ bị lên án là hành động “thanh lọc sắc tộc”, mà còn tiếp tay cho những tiếng nói cực hữu trong nội các Israel đòi chủ quyền toàn diện với dải Gaza.
Bất chấp những tiếng vang ngắn hạn, chính sách ngoại giao mang nặng tính giao dịch của ông Trump đang đặt ra câu hỏi lớn: liệu ông đang tái định hình trật tự thế giới theo hướng có lợi cho nước Mỹ, hay chỉ là canh bạc chính trị đầy rủi ro, đánh đổi uy tín quốc tế lấy những thắng lợi chính trị trước mắt?
Theo CNN
Mỹ 'xuống thang': Ông Trump chấp nhận phần lớn yêu cầu thương mại của Trung Quốc
Đồng loạt hạ thuế, Trung Quốc tuyên bố thỏa thuận thương mại với Mỹ là một chiến thắng lớn