Giảm ùn tắc giao thông, nhiều nước 'đánh thẳng' vào túi tiền của tài xế
Nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, nhiều quốc gia áp dụng thu phí đường bộ đối với tài xế. Các mức thu cũng khác nhau tùy thuộc vào phương tiện, thời gian và địa điểm.
Singapore
Để cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông, Chính phủ Singapore đã thu 3 loại phí gồm phí sử dụng đường bộ, phí hạn chế lưu hành phương tiện cá nhân, và phí tắc nghẽn giao thông. Ngoài ra, để giới hạn phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, Singapore còn áp dụng hình thức cấp COE (Giấy chứng nhận xe được phép lưu hành), và VQS (Hệ thống hạn ngạch xe).
Vào năm 1975, Singapore trở thành nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức thu phí tắc nghẽn hay còn gọi là Hệ thống đăng ký vào nội đô (ALS). Tới năm 1998, Singapore chuyển sang hệ thống thu phí công nghệ cao (ERP), và áp dụng thu phí tự động. Mức phí sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại xe, mật độ, thời gian xe đi vào thành phố, và nút giao thông.
Đối với những ôtô quá 10 năm hoạt động sẽ phải chịu mức thuế đường bộ cao hơn. Cụ thể, xe trên 10 năm tuổi sẽ phải trả 110% mức thuế, xe trên 11 năm tuổi là 120% mức thuế, và xe trên 14 năm tuổi là 150% mức thuế.
Theo thống kê, hệ thống ALS đã giúp Singapore giảm 45% lượng xe cộ đi lại, và giảm 25% tai nạn giao thông. Còn từ khi triển khai ERP, mật độ giao thông cũng giảm thêm 15%, và tỷ lệ sử dụng các phương tiện công cộng tăng gần 20% lên 65%.
Tại Singapore, hệ thống giao thông công cộng được xây dựng tương đối hoàn chỉnh và khép kín với mạng lưới tàu điện ngầm, xe buýt và taxi giúp người dân dễ dàng lựa chọn phương tiện để di chuyển.
Mỹ
Thành phố New York của Mỹ có kế hoạch triển khai thu phí cầu đường nhằm giảm tắc nghẽn đối với ôtô đi vào khu trung tâm Manhattan bắt đầu từ năm 2024.
Nguyên nhân là do mỗi ngày, có 700.000 ôtô, taxi và xe tải đi vào quận Manhattan, nơi được coi là có tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất ở Mỹ.
Trong thời điểm tắc nghẽn, xe ôtô chỉ di chuyển với tốc độ trung bình chỉ 11,5 km/giờ. Người dân New York cũng lãng phí trung bình 117 giờ/năm khi tham gia giao thông, khiến họ mất gần 2.000 USD năng suất và các chi phí khác.
Để khắc phục tình hình trên đồng thời giảm khí thải carbon và tai nạn, chính quyền New York đã đề xuất thu một khoản phí gọi là “phí tắc nghẽn” trong giờ cao điểm ở mức tối đa là 23 USD, và tối thiểu là 9 USD.
Với mức phí trung bình mà tài xế phải trả là 23 USD/ngày, số lượng ôtô tham gia giao thông tại quận Manhattan được cho sẽ giảm 15 - 20%. Ngoài ra, khoản phí thu về có thể lên tới 1 tỷ USD/năm.
Tại New York, khoảng 75% hoạt động đi vào trung tâm thành phố là bằng phương tiện công cộng. Trong khi đó, số lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng ở thành phố này đã thấp hơn từ 25 - 30% so với trước đại dịch Covid-19.
Phí tắc nghẽn được cho sẽ tạo ra nguồn doanh thu quan trọng cho New York, để hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng 100 năm tuổi của thành phố này.
Thụy Điển
Từ năm 2007, hệ thống thu phí đường bộ điện tử ở thành phố Stockholm, Thụy Điển tự động tính tiền các xe ôtô và xe máy đi vào thành phố từ 6h30 - 18h30 các ngày trong tuần. Chỉ xe buýt, taxi, xe cứu thương, và ôtô thân thiện với môi trường được miễn phí.
Mức thu phí tắc nghẽn nội đô chia làm nhiều mức và tùy theo thời gian trong ngày, dao động từ 1 - 4 USD/lượt. Mức thu tối đa trong 1 ngày là khoảng 12 USD. Tuy nhiên, 2 ngày cuối tuần, các dịp lễ, Tết… các phương tiện đều được miễn phí.
Chỉ trong 2 năm đầu thu phí, lượng xe đi qua các trạm thu phí vào khung giờ cao điểm ở Stockholm đã giảm 25%, ô nhiễm không khí cũng giảm 14%. Số tiền phí thu được đã được dùng để nâng cấp dịch vụ và phương tiện giao thông công cộng.
Bài 2: Hạn chế xe giờ cao điểm, ‘bí kíp’ chống tắc đường ở nhiều đô thị thế giới