Kiến thức

Giáo sư Việt Nam đi qua 80 quốc gia, đàm phán 60 tỷ USD: Không nhất thiết phải ngồi ở vị trí cao mới có lương cao và hạnh phúc, hãy là người có giá trị nhất

Manh Lan 31/07/2024 15:39

Trong talkshow: "Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk" mùa 2, Giáo sư Phan Văn Trường đã bật mí một nguyên tắc lãnh đạo nhất quán của ông dành cho các nhà lãnh đạo trẻ.

Giáo sư Phan Văn Trường, một bậc thầy trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp của mình với vai trò cố vấn thương mại quốc tế cho Chính phủ Pháp từ những năm 1990. Ông vinh dự nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) từ Tổng thống Pháp hai lần vào các năm 1990 và 2006. Năm 2010, ông tiếp tục được Chủ tịch nước Việt Nam tặng huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" để ghi nhận những đóng góp của mình.

Với sự nghiệp trải dài ở các tập đoàn danh tiếng như Alstom và Suez, Giáo sư Trường đã đóng vai trò then chốt trong nhiều chức vụ quan trọng. Ông là Phó Chủ tịch tập đoàn Alstom từ năm 1989 đến 1992, sau đó giữ vị trí Giám đốc Alstom Châu Á từ năm 1986 đến 1989. Tiếp theo, ông đảm nhiệm chức Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại tập đoàn Suez từ năm 1997 đến 2004.

Giáo sư Phan Văn Trường. Ảnh: QUANG ĐỊNH/Báo Tuổi Trẻ

Giáo sư Phan Văn Trường. Ảnh: QUANG ĐỊNH/Báo Tuổi Trẻ

Ở tuổi 80, Giáo sư Trường không ngừng cống hiến cho công tác khuyến học và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Năm 2019, ông thành lập hệ sinh thái "Cấy nền", một nền tảng giáo dục miễn phí dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp, dựa trên bốn nguyên tắc cốt lõi: "Bình đẳng - Hồn nhiên - Thẳng thắn - Tích cực". Đây là một sáng kiến thiết thực nhằm hỗ trợ thanh niên phát triển và vượt qua những thách thức trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Trong tập 6 của chương trình "Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk" mùa 2 do Báo Tuổi trẻ và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức, cùng với sự tham gia phối hợp của Viện ISB - Đại học Kinh tế TP.HCM, CLB CSMO Việt Nam, GS Phan Văn Trường cùng với host Nguyễn Tiến Huy, tổng giám đốc Pencil Group, đã có những chia sẻ vô cùng có giá trị dành cho các nhà lãnh đạo trẻ về giá trị thương hiệu, cá nhân và văn hóa lãnh đạo đúng đắn trong doanh nghiệp.

Tập 6 của chương trình "Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk" mùa 2

“Thương hiệu cá nhân của lãnh đạo và thương hiệu doanh nghiệp không thể tách rời”

Mở đầu talkshow này, host Nguyễn Tiến Huy đã đưa ra các câu hỏi về mối liên kết giữa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu của người lãnh đạo, GS Phan Văn Trường ngay lập tức nhận định đây là một vấn đề vừa thú vị lại vừa đáng suy ngẫm.

Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ một quan điểm mạnh mẽ về sự kết nối giữa thương hiệu và nhân hiệu: "Trên thương trường, hình ảnh của lãnh đạo có thể làm nên hoặc phá vỡ thương hiệu doanh nghiệp". Những ví dụ điển hình chứng minh sức mạnh của nhân hiệu không thể không nhắc đến: Alibaba gắn liền với Jack Ma, người sáng lập Virgin Group - Richard Branson, và General Electric - Jack Welch.

Nhìn vào câu chuyện của Apple, ta thấy rõ ràng rằng không chỉ sản phẩm và dịch vụ tạo nên dấu ấn thương hiệu. Câu chuyện truyền cảm hứng của Steve Jobs về sự sáng tạo không ngừng và kiên trì đã tạo ra một giá trị cộng hưởng mạnh mẽ, kết nối sâu sắc giữa thương hiệu và khách hàng. Steve Jobs không chỉ là linh hồn của Apple, mà còn là biểu tượng của một triết lý đổi mới không ngừng nghỉ.

Giáo sư Trường khẳng định: "Thương hiệu cá nhân của lãnh đạo và thương hiệu doanh nghiệp không thể tách rời. Vì cả 2 cùng đại diện cho những giá trị tiêu biểu của doanh nghiệp".

Tuy nhiên, phát triển thương hiệu qua nhân hiệu cũng có thể là "con dao hai lưỡi". Mỗi phát ngôn hay hành động của lãnh đạo đều có thể để lại dấu ấn mạnh mẽ, đôi khi là tiêu cực, trên toàn bộ doanh nghiệp.

giáo sư phan văn trường 1

Giáo sư Phan Văn Trường cũng khẳng định nhân hiệu là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng thương hiệu, vì nó phản ánh những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Một lãnh đạo xuất sắc không chỉ tạo ra sự kết nối với khách hàng mà còn phát huy nội lực bên trong công ty, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thương hiệu cũng phải gắn liền với nhân hiệu. Hãy nhìn vào Coca-Cola: Khi một khách hàng không biết uống gì, họ sẽ đơn giản nói "Give me one Coke - Cho tôi Coca". Họ không nghĩ đến người lãnh đạo mà đơn giản chỉ nhớ đến Coca-Cola như một sự lựa chọn ưu tiên - first in mind, một thương hiệu đã vững vàng trong tâm trí hàng tỉ người suốt nhiều thập kỷ. Điều này chứng minh rằng một thương hiệu mạnh mẽ không chỉ dựa vào nhân hiệu mà còn phải tạo dựng được giá trị nổi bật qua sản phẩm và dịch vụ của mình.

“Một doanh nghiệp vui vẻ là một doanh nghiệp có thương hiệu tốt”

Khi được hỏi làm cách nào để các yếu tố giúp cho một doanh nghiệp bán được nhiều kết nối chặt chẽ với nhau, GS Phan Văn Trường khẳng định người lãnh đạo giữ vai trò quan trọng nhất.

“Khi đi dạy ở các trường đại học, tôi được các sinh viên đặt câu hỏi rằng: ‘Làm cách nào để bán được nhiều?’. Tôi trả lời rằng, phải có thương hiệu, song song với sản phẩm, văn hóa doanh nghiệp và những người lãnh đạo có sức ảnh hưởng.

Tất cả các yếu tố này được kết nối qua người lãnh đạo. Tôi có thể kể cho các bạn ví dụ về cá nhân tôi. Tôi có một phong cách lãnh đạo rất “lỏng”, nhưng nó là “lỏng - chặt”.

Lỏng tức là mình cứ như người không biết gì, đi đến đâu cũng có sự khoan dung và thông cảm. Bạn không làm được việc, tôi thông cảm, nhưng bạn hãy kể cho tôi nghe xem tại sao bạn lại thất bại trong chuyện này. Mình để cho những người thất bại có cơ hội để giãi bày khó khăn của họ”, GS Phan Văn Trường chia sẻ về nguyên tắc lãnh đạo “lỏng mà chặt” của mình.

Theo giáo sư, khi một người lãnh đạo biết làm như vậy, họ sẽ có sự ảnh hưởng trực tiếp trong doanh nghiệp của mình, trở thành một doanh nghiệp vui vẻ.

GS Phan Văn Trường nhận định: “Một doanh nghiệp vui vẻ là một doanh nghiệp có thương hiệu tốt”.

giáo sư phan văn trường 2

Giải thích rõ hơn, một doanh nghiệp vui vẻ là một doanh nghiệp sáng tạo rất nhanh, và mọi chất liệu sáng tạo đều kèm theo nụ cười. Người tiêu dùng khi nhìn vào sản phẩm sẽ cảm nhận được một sự lạc quan nào đó, trở thành một sự chắp nối không thể tách rời ra được.

“Đó là điều khó nhất. Chúng ta chỉ làm được khi nhân viên nhận thấy được rằng người lãnh đạo có sự bình đẳng. Có bình đẳng mới có sự hồn nhiên, sáng tạo, có sáng tạo mới có sự phản biện, và sự phản biện mới có thể tạo ra giá trị”, GS Phan Văn Trường nhận định.

“Người Việt có bản sắc lãnh đạo nhưng là bản sắc lỗi”

Tiếp tục buổi trò chuyện, host Nguyễn Tiến Huy đã đặt ra một vấn đề: “Liệu người Việt đã có bản sắc lãnh đạo hay chưa?”. GS Phan Văn Trường cho rằng là có nhưng đó là những bản sắc lỗi, và chỉ ra những "lỗi" thường mắc phải của các doanh nghiệp Việt.

“Bản sắc lỗi nó đi từ giáo dục. Bây giờ ở đâu bán lớp dạy về CEO thì cả nước nhảy vào. Ai cũng muốn ngồi ở vị trí đó mà không hiểu được rằng không nhất thiết phải trở thành CEO mới có lương cao và hạnh phúc. Mình có lương cao chỉ vì trên thị trường, mình là người có giá trị nhất”, GS Phan Văn Trường nói.

giáo sư phan văn trường 3

Theo giáo sư, văn hóa lãnh đạo của người Việt mang tính kiểm soát, tức là người lãnh đạo thường không tin vào nhân viên. Họ sợ rằng chỉ cần mình quay lưng lại là nhân viên sẽ làm việc không tốt. Đó là điều vô cùng sai lầm.

“Chúng ta chưa tạo được văn hóa cho nhân viên là chúng ta phải cho hết, thành ra nhân viên của ta sẽ nghĩ rằng cho đi từ từ, làm việc vừa vừa thôi, hoặc ăn gian một tí thôi rồi cho đó là hạnh phúc. Tôi đã gặp rất nhiều những trường hợp như vậy rồi.

giáo sư phan văn trường 4

Tạo ra giá trị xã hội trước tiên chính là tạo ra giá trị cho mình - Đây là điều rất ít nhân viên hiểu, mà bổn phận của người làm lãnh đạo là phải giải thích cho nhân viên hiểu điều đó. Tức là khi bạn tạo giá trị cho xã hội thì mọi điều lớn lao nhất nhận được lại về chính bản thân mình.

Một khi nhân viên có thể hiểu được điều này, bạn sẽ không thể tưởng tượng được sự nhiệt tình sẽ đạt tới mức độ nào đâu”, GS Phan Văn Trường chia sẻ.

>> Ông chủ Sunhouse: ‘Bao giờ cạnh núi cao cũng là vực sâu, muốn đỉnh cao phải chấp nhận khiếm khuyết. Điều đó là bình thường!’

'Thần đồng' Toán học Việt Nam 17 tuổi giành HCV Olympic Toán quốc tế, được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva, là Giáo sư hàng đầu tại Viện Công nghệ Mỹ

'Thần đồng' Toán học duy nhất VN đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế được phong hàm Giáo sư năm 32 tuổi, là nhân vật quan trọng của Viện đại học Pháp

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/giao-su-viet-nam-di-qua-80-quoc-gia-dam-phan-60-ty-usd-ai-cung-muon-ngoi-o-vi-tri-ceo-ma-khong-hieu-khong-nhat-thiet-phai-tro-thanh-ceo-moi-co-luong-cao-va-hanh-phuc-d129160.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Giáo sư Việt Nam đi qua 80 quốc gia, đàm phán 60 tỷ USD: Không nhất thiết phải ngồi ở vị trí cao mới có lương cao và hạnh phúc, hãy là người có giá trị nhất
POWERED BY ONECMS & INTECH