Thế giới

'Gió đổi chiều': Hàng loạt Ngân hàng Trung ương sẽ đảo ngược chính sách lãi suất trong năm 2024

Bạch Linh 01/07/2024 - 14:22

Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu sẽ không để sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tác động quá nhiều tới quyết định của họ.

Trong số 23 Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới, chỉ có Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là không cắt giảm lãi suất trong vòng 18 tháng tới. Hầu hết các ngân hàng khác đều chuẩn bị cho quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay.

Theo dự đoán, các Ngân hàng Trung ương sẽ giảm tổng cộng 155 điểm cơ bản cho đến cuối năm 2025. Ngay cả Fed cũng được dự báo sẽ kết thúc chính sách tiền tệ thắt chặt của mình trong năm nay. Cùng với sự thận trọng của Mỹ, một số Ngân hàng Trung ương sẽ có xu hướng giảm lãi suất nhẹ nhàng hơn so với lúc tăng lãi suất.

Việc nới lỏng chính sách trên toàn cầu đã có xu hướng không giống nhau. Ví dụ, ở châu Âu, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì thực hiện một lần, Ngân hàng Anh vẫn chưa tiến hành xoay trục còn Ngân hàng Trung ương Na Uy thì vừa ra tín hiệu rằng họ khó có thể cắt giảm lãi suất trước năm 2025.

Việc thúc đẩy cắt giảm lãi suất trên quy mô toàn cầu vẫn có thể gặp phải những trở ngại hơn nữa, như Fed và ECB đã cho thấy. Ngân hàng trung ương Australia thậm chí không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm một lần vào thời gian tới.

Nhưng khi bước vào nửa cuối năm, viễn cảnh nới lỏng chính sách dường như ngày càng rõ rệt ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu.

'Gió đổi chiều': Hàng loạt Ngân hàng Trung ương sẽ đảo ngược chính sách lãi suất trong năm 2024
Động thái của các Ngân hàng Trung ương lớn và dự đoán sắp tới

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Phạm vi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang ở mức 5,25%-5,5% và có thể Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11, với 80% khả năng giảm tiếp vào tháng 12.

Theo dự báo trung bình được công bố vào tháng 6, các quan chức Fed đã đưa ra một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay và mọi con mắt sẽ dõi theo để tìm manh mối về việc liệu đợt cắt giảm đó có thể diễn ra trong quý III hay vào cuối năm hoặc thậm chí là muộn hơn.

Ngân hàng Trung ương châu Âu

Đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu, lãi suất hiện tại là 3,75% và khả năng rất cao là sẽ có một đợt cắt giảm 0,25 điểm vào tháng 9 và một đợt cắt giảm nữa vào cuối năm.

Sau khi hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6 kể từ hàng loạt đợt tăng lãi suất, ECB vẫn chưa vội vàng hành động thêm nữa. Theo loạt dự báo hàng quý mới nhất của ECB, lạm phát - đang trên đà hạ nhiệt - sẽ không đạt được mục tiêu 2% một cách bền vững cho đến gần cuối năm 2025.

Tăng trưởng tiền lương, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, đang khiến giá tiêu dùng tăng cao và các quan chức lo ngại về việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá vội vàng. Việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 7 gần như bị loại trừ. Điều đó khiến tháng 9 trở thành cơ hội sáng để tiến hành hành động.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) với lãi suất hiện là 0,1% đang được dự đoán sẽ có động thái tiếp theo vào tháng 10. Thống đốc Kazuo Ueda chuẩn bị công bố kế hoạch giảm mua trái phiếu tại cuộc họp tháng 7 và cũng không loại trừ khả năng có thể sẽ tiến hành tăng lãi suất.

Tỷ giá có thể sẽ tiếp tục làm phức tạp công việc của BoJ. Đồng yên yếu đã gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ do chi phí nhập khẩu tăng cao, đây là một lý do khiến nền kinh tế suy thoái hai lần trong ba quý vừa qua.

Ngân hàng Trung ương Anh

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đang giữ lãi suất ở mức 5,25%. Tuy nhiên, thị trường đang dự đoán có thể Ngân hàng Trung ương sẽ tiến hành cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 8 và có khoảng 75% dự đoán về lần giảm thứ hai vào cuối năm nay.

Các nhà kinh tế tin rằng những trở ngại chính đối với việc hạ lãi suất của Anh vẫn là giá dịch vụ và tăng trưởng tiền lương. Lạm phát đã trở lại mục tiêu 2% nhưng Ngân hàng Trung ương dự báo lạm phát sẽ bắt đầu tăng trở lại trước khi kết thúc năm.

'Gió đổi chiều': Hàng loạt Ngân hàng Trung ương sẽ đảo ngược chính sách lãi suất trong năm 2024
Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu sẽ không để sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tác động quá nhiều tới quyết định của họ

>> Không phải tháng 7, chuyên gia tiết lộ đây mới là thời điểm Fed có thể cắt giảm lãi suất

Ngân hàng Trung ương Canada

Lãi suất hiện tại của Ngân hàng Trung ương Canada đang là 4,75%. Thị trường dự báo ​​các nhà hoạch định chính sách sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12.

Vào tháng 6, Ngân hàng Canada đã dẫn đầu nhóm Ngân hàng Trung ương G7 nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất xuống 4,75% sau khi thấy ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy áp lực giá cả đang chậm lại. Nhiều suy đoán cho rằng ngân hàng này sắp bắt đầu có sự khác biệt kéo dài trong chính sách so với Fed.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang giữ lãi suất ở mức 2,5%. Được biết, các quan chức đang rất khó khăn khi cố gắng cân bằng giữa nhu cầu hỗ trợ đồng nội tệ và kích thích nền kinh tế.

Việc Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất tiếp tục gây áp lực lên đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc vẫn không đồng đều, với xuất khẩu và khu vực công nghiệp nói chung phục hồi nhanh hơn tiêu dùng, phản ánh nhu cầu trong nước có phần chậm. Nhiều nhà kinh tế vẫn thấy PBOC sẽ hạ lãi suất trong năm nay, nhưng phải đợi đến khi Fed đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về kế hoạch cắt giảm lãi suất .

Ngân hàng Dự trữ của Ấn Độ

Lãi suất hiện tại của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đang là 6,5%. Hai người có quyền quyết định ấn định lãi suất trong Ủy ban chính sách tiền tệ gồm sáu thành viên của nước này đã bỏ phiếu ủng hộ việc cắt giảm lãi suất - cho thấy việc xoay trục đang được thảo luận tích cực hơn.

Ngân hàng Trung ương Brazil

Ngân hàng này đang thiết lập mức lãi suất là 10,5%. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định trong hầu hết năm 2025 sau khi các thành viên nhất trí bỏ phiếu dừng chiến dịch nới lỏng của họ hồi ngày 19/6.

Ngân hàng Trung ương Nga

Lãi suất hiện tại của Ngân hàng Trung ương Nga đang là 16%. Trong khi các nhà phân tích trước đó dự kiến ​​việc nới lỏng tiền tệ sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm, thì lạm phát của Nga đã tăng nhanh lên tới 8,3% trong tháng 5 - cao hơn gấp đôi mục tiêu của ngân hàng. Điều này buộc các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ lại.

Thống đốc Elvira Nabiullina đã cảnh báo vào tháng 6 về khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 7 nếu áp lực lạm phát không hạ nhiệt.

Ngân hàng Dự trữ Nam Phi

Lãi suất repo trung bình hiện tại của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi là 8,25%. Các nhà hoạch định dự kiến sẽ duy trì mức lãi suất này trong một thời gian dài, dù cho con đường cắt giảm lãi suất có thể đang mở ra. Thống đốc Lesetja Kganyago đã cam kết rằng ngân hàng sẽ chỉ điều chỉnh lãi suất khi lạm phát, hiện ở mức 5,2%, đạt đến mức giữa của phạm vi mục tiêu 3%-6%.

>> Chuyên gia Morgan Stanley: Fed và NHTW châu Âu có thể sẽ đồng loạt cắt giảm lãi suất vào thời điểm này

IMF kêu gọi Fed 'kiên nhẫn' để kiềm chế lạm phát, chờ 'bằng chứng rõ ràng' trước khi hạ lãi suất

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng yếu nhất trong hơn 3 năm, Fed có thể sắp cắt giảm lãi suất?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gio-doi-chieu-hang-loat-ngan-hang-trung-uong-se-dao-nguoc-chinh-sach-lai-suat-trong-nam-2024-240653.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Gió đổi chiều': Hàng loạt Ngân hàng Trung ương sẽ đảo ngược chính sách lãi suất trong năm 2024
    POWERED BY ONECMS & INTECH