Google vừa giới thiệu chip máy chủ trên nền kiến trúc Arm với hi vọng làm cho điện toán đám mây rẻ hơn, cạnh tranh với các đối thủ như Alibaba, Amazon và Microsoft.
Tại sự kiện Cloud Next tổ chức ngày 9/4, Google đã giới thiệu chip máy chủ mới, dự kiến lên kệ cuối năm nay. Với con chip này, hãng tìm kiếm đang đi theo dấu chân của các đối thủ như Amazon và Microsoft. Các “ông lớn” đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hạ tầng đám mây, nơi các tổ chức đi thuê tài nguyên ở các trung tâm dữ liệu xa xôi và trả tiền dựa trên mức độ sử dụng.
3/4 doanh thu Alphabet, công ty mẹ của Google, đến từ quảng cáo, nhưng mảng kinh doanh đám mây đang phát triển nhanh hơn và hiện chiếm gần 11% doanh thu của công ty. Google nắm giữ 7,5% thị trường hạ tầng đám mây vào năm 2022, trong khi Amazon và Microsoft cùng kiểm soát khoảng 62%, theo ước tính của Gartner.
Amazon Web Services (AWS) – đơn vị dẫn đầu thị trường - đã giới thiệu chip Graviton Arm vào năm 2018. "Hầu như tất cả các dịch vụ của họ đã được chuyển và tối ưu hóa trên hệ sinh thái Arm", Chirag Dekate, chuyên gia phân tích của Gartner, chia sẻ với CNBC.
Trong khi đó, Alibaba ra mắt bộ xử lý Arm năm 2021 và Microsoft làm điều tương tự vào tháng 11/2023.
Google không xa lại với Arm. Năm 2022, công ty bắt đầu bán quyền truy cập máy ảo (VM), sử dụng chip dựa trên Arm của startup Ampere. Việc chuyển các ứng dụng sang Arm là hợp lý khi các tổ chức đang tìm cách giảm chi tiêu cho điện toán đám mây. Amazon tuyên bố Graviton đạt hiệu suất giá tốt hơn 40% so với các máy chủ tương đương như mô hình x86 trong các bộ xử lý AMD và Intel.
Google đã dùng máy chủ dựa trên Arm cho mục đích nội bộ: chạy quảng cáo YouTube, cơ sở dữ liệu BigTable và Spanner, công cụ phân tích dữ liệu BigQuery. Công ty sẽ dần chuyển chúng lên đám mây Axion.
Trên blog, Giám đốc đám mây Google Thomas Kurian cho biết việc sử dụng các con chip dùng kiến trúc Arm có thể dẫn tới giảm khí thải carbon đối với một số khối lượng công việc nhất định. Ngoài ra, chip cũng có thể tăng tốc ứng dụng.
(Theo CNBC)