Hà Nội sẽ có thêm 3 nút giao quy mô trên tuyến đường Vành đai 3,5
Ba nút giao thông này nằm trên địa bàn các xã Thanh Trì, Nam Phù, Đại Thanh và các phường Kiến Hưng, Phú Lương với phương án thiết kế.
Theo Báo Đầu tư, UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt phương án và vị trí của ba nút giao thông giữa tuyến đường Vành đai 3,5 với tuyến đường trục phía Nam, Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tỷ lệ 1/500.
Cụ thể, ba nút giao thông này nằm trên địa bàn các xã Thanh Trì, Nam Phù, Đại Thanh và các phường Kiến Hưng, Phú Lương với phương án thiết kế.
Nút giao với tuyến đường trục phía Nam là nút giao khác mức liên thông, dạng hoa thị biến thể, bố trí đầy đủ các nhánh rẽ cho tất cả các hướng.
Nút giao với Quốc lộ 1A là nút giao khác mức trực thông, xây dựng cầu vượt trên tuyến Vành đai 3,5, đảm bảo tĩnh không với đường sắt hiện trạng và Quốc lộ 1A.
Nút giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ áp dụng dạng hoa thị, không bố trí nhánh rẽ trái từ Vành đai 3,5 đi Pháp Vân.
>> Nút giao hơn 115.000 tỷ đồng kết nối 3 cao tốc cửa ngõ TPHCM, Tây Ninh

Chỉ giới đường đỏ của ba nút giao được xác định theo các thông số kỹ thuật và điều kiện khống chế. Nội dung thiết kế chi tiết trong phạm vi chỉ giới này sẽ được cụ thể hóa trong dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt sau.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ tỷ lệ 1/500 và cập nhật nội dung đã phê duyệt vào các quy hoạch liên quan.
Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng Thành phố có trách nhiệm công bố công khai phương án được duyệt.
Hồ sơ sẽ được bàn giao cho UBND các xã, phường liên quan (Thanh Trì, Nam Phù, Đại Thanh, Kiến Hưng, Phú Lương) và các cơ quan chức năng để quản lý, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… nhằm đảm bảo tuân thủ quy định chuyên ngành.
UBND các xã, phường trên cũng được giao nhiệm vụ quản lý việc xây dựng theo đúng quy hoạch và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Theo Thư viện pháp luật, tuyến Vành đai 3,5 Hà Nội được chia thành 5 phân đoạn, mỗi đoạn có tính chất và đặc điểm riêng, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, kết nối hiệu quả các khu vực trong thành phố.
Tuyến đường dài khoảng 43km, được thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn an toàn cao, với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, thể hiện vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của Hà Nội.
Dự án có mặt đường rộng từ 60-80m, gồm 6-8 làn xe, đủ năng lực đáp ứng lưu lượng giao thông lớn. Ngoài ra, tuyến còn được bố trí các đường song hành, làn riêng dành cho xe máy và phương tiện thô sơ, đảm bảo lưu thông thuận tiện và an toàn cho mọi loại hình phương tiện.
Nút giao hơn 115.000 tỷ đồng kết nối 3 cao tốc cửa ngõ TPHCM, Tây Ninh
‘Siêu’ nút giao 115.000 tỷ kết nối 3 cao tốc huyết mạch miền Nam sắp về đích thi công