Hai lãnh đạo châu Âu gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ
Hai nhà lãnh đạo của châu Âu vừa đưa ra những quan điểm cứng rắn sau tín hiệu gây hoang mang từ Washington dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị an ninh Munich, ngày 15/2. (Ảnh: AP) |
Trong ngày thứ 2 của Hội nghị an ninh Munich, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục thành lập "lực lượng vũ trang châu Âu", còn Thủ tướng Olaf Scholz chỉ trích việc can thiệp vào cuộc bầu cử của Đức, sau khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance gặp một nhà lãnh đạo cực hữu người Đức.
Những phát biểu gay gắt của 2 nhà lãnh đạo cho thấy động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây ra những tác động mạnh mẽ ở cả trong nước và châu Âu, nhất là liên quan đến việc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine và ứng xử với các đồng minh ở lục địa này.
Ông Zelensky nói rằng cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua cho thấy cần thành lập một quân đội châu Âu, điều mà nhiều nhà lãnh đạo của châu lục đã nói đến từ lâu.
"Tôi thực sự tin rằng thời điểm đó đã đến. Cần thành lập các lực lượng vũ trang của châu Âu”, ông nói.
Không rõ ý tưởng này có được các nhà lãnh đạo châu Âu đón nhận hay không. Ông Zelensky tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự và kinh tế lớn hơn từ Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều năm qua và liên tục cảnh báo rằng các khu vực khác của châu Âu cũng dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, dù EU ủng hộ Kiev mạnh mẽ trong suốt những năm xung đột với Nga, nhưng những bất đồng chính trị trong nội khối về cách ứng xử với Matxcơva và thực lực kinh tế, trong đó có vấn đề nợ quốc gia, đã kìm hãm mức chi tiêu quốc phòng của họ và hạn chế khả năng ủng hộ Kiev nhiều hơn.
Ông Zelensky cũng đề cập đến cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận các thỏa thuận diễn ra sau lưng mà không có sự tham gia của chúng tôi, và quy tắc tương tự cũng nên áp dụng cho toàn bộ châu Âu", Tổng thống Zelensky nói.
"Vài ngày trước, Tổng thống Trump kể với tôi về cuộc trao đổi của ông với ông Putin. Ông ấy không một lần nói rằng nước Mỹ cần châu Âu ở bàn đàm phán. Điều đó nói lên rất nhiều điều", ông Zelensky nói thêm.
Không chấp nhận can thiệp
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông "hài lòng" với cam kết của Mỹ về "bảo vệ nền độc lập có chủ quyền của Ukraine" và đồng ý với ông Trump rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine phải chấm dứt.
Tuy nhiên, ông Scholz cũng nói đến chiến thuật chính trị mới từ Washington, thể hiện lập trường cứng rắn đối với phe cực hữu và khẳng định nước Đức sẽ không chấp nhận những người "can thiệp vào nền dân chủ của chúng tôi". Phát biểu này ngụ ý nhắc đến việc Phó Tổng thống Mỹ JD Vance chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu về cách tiếp cận dân chủ của họ.
Trước cuộc bầu cử ngày 23/2 tại Đức, các cuộc thăm dò cho thấy đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) đang đứng thứ hai, dẫn trước đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz. Đồng lãnh đạo AfD có cuộc gặp ông Vance hôm 14/2.
Nhắc đến Đức Quốc xã trước đây, Thủ tướng Scholz nói rằng cam kết không quay lại tư tưởng cực hữu trái ngược với sự ủng hộ AfD.
"Chúng tôi sẽ không chấp nhận những người nhìn nước Đức từ bên ngoài và can thiệp vào nền dân chủ và các cuộc bầu cử của chúng tôi…Đó không phải điều mà những người bạn và đồng minh nên làm. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này", ông Scholz nói.
"Nền dân chủ của chúng tôi sẽ đi về đâu là điều do chúng tôi quyết định", Thủ tướng Đức nói thêm.
Một ngày trước đó, ông Vance bày tỏ lo ngại quyền tự do ngôn luận đang "suy thoái" trên khắp lục địa.
Ông Vance cũng nói rằng không nền dân chủ nào có thể tồn tại khi mối quan tâm của hàng triệu cử tri bị coi là "không hợp lệ hoặc thậm chí không xứng đáng được xem xét".
Ông Scholz phản bác, nói rằng "quyền tự do ngôn luận ở châu Âu nghĩa là bạn không tấn công người khác theo cách vi phạm luật pháp và luật lệ mà chúng ta có ở đất nước mình", nhắc đến quy định ở Đức về hạn chế ngôn từ kích động thù địch.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng hiểu lập trường mới của Washington về những vấn đề quan trọng, nhất là dân chủ và tương lai của Ukraine, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục đảo lộn các thoả ước xuyên Đại Tây Dương đã có từ sau Thế chiến II.
Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên của Trump về Ukraine và Nga, gần như loại người châu Âu khỏi bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Ukraine và Nga, bất chấp việc ông Zelensky nhiều lần kêu gọi để châu Âu tham gia.
>> Gọi thẳng cho ông Putin, gạt Ukraine ra bên lề: Ông Trump khiến châu Âu 'sốc nặng'
Phó Tổng thống Mỹ gây sốc khi gọi các nhà lãnh đạo châu Âu là 'độc tài'
Gọi thẳng cho ông Putin, gạt Ukraine ra bên lề: Ông Trump khiến châu Âu 'sốc nặng'