Điểm đến

Hầm đường sắt xuyên biển 90.000 tỷ đồng dài bậc nhất thế giới nằm ở độ sâu 240m dưới đáy biển, sử dụng 2.900 tấn thuốc nổ và 168.000 tấn sắt để thông hầm

Quỳnh Châu 23/01/2024 - 14:53

Thời điểm gần chạm mốc 30 năm vận hành, đường hầm này được chọn là 1 trong 20 biểu tượng đại diện cho Di sản Văn hóa và Công nghệ của Nhật Bản.

Hầm đường sắt Seikan dài 53,85km xuyên qua eo biển Tsugaru, kết nối tỉnh Aomori trên đảo Honshu và đảo Hokkaido của Nhật Bản. Đường hầm sở hữu 23,3km đường ray nằm dưới biển, đoạn đường này có chiều rộng 9,3m, cao 7,85m, nằm ở độ sâu 240m dưới mực nước biển.

Đường hầm Seikan là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới tính theo chiều dài tổng thể (đường hầm Channel mặc dù ngắn hơn nhưng có một đoạn dưới biển dài hơn). Đây cũng là hầm đường sắt dài thứ hai sau đường hầm Gotthard Base ở Thụy Sĩ, được khai trương vào năm 2016.

Đường hầm Seikan là đường hầm có độ sâu lớn nhất thế giới

Đường hầm Seikan là đường hầm có độ sâu lớn nhất thế giới

Công việc khảo sát bắt đầu năm 1946 và 25 năm sau - vào năm 1971, công trình bắt đầu xây dựng. Đây là một phần của tuyến đường Kaikyo, thuộc sở hữu của Cục Công nghệ, Vận tải và Kỹ thuật đường sắt Nhật Bản và chịu sự điều hành của Công ty đường sắt Hokkaido.

Để thi công tuyến đường hầm này, các kỹ sư và công nhân Nhật Bản đã gặp rất nhiều khó khăn. Dự án bắt đầu được nghiên cứu khi Chính phủ Nhật Bản trải qua cơn bão dư luận chỉ trích, yêu cầu phải tìm ra cách vận tải an toàn qua eo biển Tsugaru sau khi chứng kiến cơn bão khủng khiếp đánh chìm con phà mang tên Toya Maru và nhiều tàu khác trên biển, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng hồi tháng 9/1954.

Cùng thời điểm, Nhật Bản nói chung và khu vực Honshu-Hokkaido nói riêng chứng kiến sự bùng nổ về kinh tế, kéo theo lưu lượng giao thông kết nối giữa hai hòn đảo tăng lên gấp đôi (ở mức hơn 4 triệu lượt khách/năm), lượng hàng hoá tăng 1,7 lần lên 6,2 tấn/năm.

Dự đoán lưu lượng đi lại xuyên 2 đảo vào những năm tiếp theo sẽ tăng mạnh, vượt quá năng lực vận tải của phà nên cuối cùng, chính quyền Nhật Bản đi đến quyết định xây dựng một công trình hạ tầng vượt biển. Điều ngạc nhiên là Chính phủ Nhật lại lựa chọn hầm vượt biển, bất chấp những điều kiện địa chất khó khăn. Lý do được đưa ra là so với cầu, hầm ngầm giúp các phương tiện di chuyển tránh được sóng, gió, thời tiết, không làm gián đoạn các hoạt động trên biển.

Để có được công trình hầm ngầm đường sắt bền vững, đủ sức vượt qua thiên tai và duy trì hoạt động hàng thập kỷ, quá trình xây dựng đường sắt tính đến hàng chục năm. Với tổng chi phí lên đến 538,4 tỷ Yên (gần 90.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại), tuyến đường này đã trở thành một trong những công trình có kinh phí xây dựng lớn nhất thế giới, chưa kể có sự tham gia của 14 triệu công nhân.

Tuyến đường Seikan đã trở thành một trong những công trình có kinh phí xây dựng lớn nhất thế giới. Ảnh: Kyodo News

Tuyến đường Seikan đã trở thành một trong những công trình có kinh phí xây dựng lớn nhất thế giới. Ảnh: Kyodo News

Công cuộc thi công hầm Seikan được bắt đầu từ tháng 9/1971, bao gồm nhiều kỹ thuật khó như khoan nổ thông qua một khu vực dễ động đất. Ước tính đã có 2.900 tấn thuốc nổ và 168.000 tấn sắt được sử dụng trong quá trình thi công đường hầm. Đối với các đoạn hầm trên đất liền, các kỹ sư Nhật sử dụng phương thức đào hầm trong núi truyền thống.

Giai đoạn thi công khó khăn nhất phải kể đến đoạn đường hầm sâu nhất, cách mặt biển 240m. Nó không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn cả sự gan dạ và quả cảm của công nhân xây dựng vì họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như sạt lở, bão biển. Đã có tới 34 công nhân bỏ mạng khi đang làm việc tại đây.

Bên trong hầm đường sắt có 2 nhà ga: Tappi Kaitei trên đảo Honshu và Yoshioka Kaitei trên đảo Hokkaido. Trong đó, nhà ga đầu tiên được xây dựng dưới biển, đồng thời cũng có vai trò như cơ sở trú ẩn khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm họa. Các nhà ga này được trang bị quạt chuyên biệt để hút khói, hệ thống cảnh báo hỏa hoạn hồng ngoại, vòi phun nước để tăng cường an toàn cho hành khách...

Sau bao nỗ lực xương máu, đoạn đường hầm ngầm dưới lòng biển hoàn tất vào tháng 3/1985. Đến ngày 13/3/1988, đường hầm Seikan chính thức được đưa vào sử dụng.

Seikan trở thành một công trình lớn của thời hiện đại

Seikan trở thành một công trình lớn của thời hiện đại

Ngay sau khi đưa vào vận hành, đường hầm Seikan đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của hai đảo Honshu và Hokkaido. Mọi hoạt động vận tải đường sắt giữa hai đảo đều đi qua đường hầm này. Thời gian đi lại giữa hai đảo cũng được rút ngắn đáng kể, xuống chỉ còn 2,5 giờ.

Tháng 12/2017, thời điểm Seikan gần chạm mốc 30 năm vận hành, đường hầm này được chọn là 1 trong 20 biểu tượng đại diện cho Di sản Văn hoá và Công nghệ của Nhật Bản do Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS, một hội đồng cố vấn của UNESCO) bình chọn.

Hiện nay, hầm đường sắt Seikan đã trở thành cơ sở hạ tầng vận tải bận rộn, phục vụ từ chở hàng đến chở khách. Mỗi ngày, có khoảng 50 tàu chở hàng, 30 tàu cao tốc Shinkansen di chuyển qua.

>> Hầm đường bộ 3.700 tỷ đồng dài nhất thế giới, chạy xuyên qua 3 hang núi lớn, trang bị một công nghệ khiến lái xe được chiêm ngưỡng 'bình minh' 3 lần

Khách sạn sâu nhất hành tinh nằm dưới lòng đất nửa km, thuộc mỏ đá có đường hầm 80km có thể khiến khách 'chết đói' nếu lạc đường

Bên trong đường hầm kính hiện đại gồm 900m chạy dưới lòng biển, là đường hầm đầu tiên của hệ thống giao thông nhanh hạng nhẹ trong vùng

Đường hầm dẫn lũ 2.000 năm tuổi mất đến hơn một thế kỷ để xây dựng, nằm trong danh sách di sản thế giới dự kiến của UNESCO

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ham-duong-sat-xuyen-bien-90000-ty-dong-dai-bac-nhat-the-gioi-nam-o-do-sau-240m-duoi-day-bien-su-dung-2900-tan-thuoc-no-va-168000-tan-sat-de-thong-ham-d115281.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hầm đường sắt xuyên biển 90.000 tỷ đồng dài bậc nhất thế giới nằm ở độ sâu 240m dưới đáy biển, sử dụng 2.900 tấn thuốc nổ và 168.000 tấn sắt để thông hầm
POWERED BY ONECMS & INTECH