Hàng loạt ‘đại gia’ bất ngờ cam kết quyên góp hơn 233 tỷ đồng: Chuyện gì đã xảy ra?
Nhiều người trong thế hệ Millennials và gen Z có quan điểm rằng sự giàu có không nên chỉ phục vụ cá nhân mà phải mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Những người trẻ tuổi từ 18 đến 35 - con cháu của triệu phú, tỷ phú đã tập trung tại Hội nghị Making Money Make Change ở Nashville. Tuy nhiên, không để tìm cách gia tăng tài sản, họ đang thử từ bỏ nó. Những người này là một phần của cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ, với 16.000 tỷ USD dự kiến sẽ đổi chủ trong thập kỷ tới, nhưng họ không muốn giữ số tiền khổng lồ này.
Vì sao họ từ chối tài sản?
Nhiều người trong thế hệ Millennials và gen Z có quan điểm rằng sự giàu có không nên chỉ phục vụ cá nhân mà phải mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ash, một người tham dự 30 tuổi, kể lại: “Tôi đã tham gia phong trào công lý khí hậu, kêu gọi thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch. Sau đó, tôi phát hiện gia đình mình đang kiếm lợi từ chính những công ty mà tôi phản đối”.
Tổ chức Resource Generation (RG), đơn vị tổ chức Hội nghị, giúp những người thừa kế tìm cách phân bổ tài sản của mình vào các quỹ hỗ trợ nhà ở, công bằng xã hội và môi trường. Phong trào này bùng nổ sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, khi nhiều người trẻ nhận ra rằng họ muốn sử dụng tiền bạc để thúc đẩy công lý thay vì duy trì hệ thống bất bình đẳng. Hiện tại, RG có hơn 1.000 thành viên và cam kết phân phối 100 triệu USD chỉ trong năm nay.
Đối với những người tham dự, việc chia sẻ tài sản không phải là hành động thể hiện sự “thức tỉnh” mà là trách nhiệm đạo đức. Sarah, 24 tuổi, từng nghĩ mình chỉ có điều kiện như bạn bè đồng trang lứa cho đến khi biết rằng mình sẽ thừa kế một khối tài sản khổng lồ. “Tôi nhận ra rằng mình ở một vị thế hoàn toàn khác”, cô nói.
Tuy nhiên, việc từ bỏ tài sản không dễ dàng. Họ đối mặt với cảm giác tội lỗi, xấu hổ và thậm chí là mâu thuẫn gia đình. Meg, con gái một tỷ phú, nhớ lại: “Khi còn nhỏ, tôi xem phim Richie Rich và nghĩ: ‘Những người giàu đều là kẻ xấu. Nghĩa là mình cũng vậy sao?’”
![Hàng loạt ‘đại gia’ bất ngờ cam kết quyên góp hơn 233 tỷ đồng: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/10/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_10-_screenshot_2025-02-10_111442_mbuq.png)
Quá trình từ bỏ tài sản
Bên trong Hội nghị, những người tham dự mặc áo phông in dòng chữ “Tax the Rich (Đánh thuế người giàu)” hay “Liberation (Giải phóng)”, nhưng tổng tài sản của họ lên tới 246 triệu USD và họ sẽ thừa kế thêm 1,5 tỷ USD.
Khi một cuộc khảo sát tại Hội nghị công bố tổng số tiền họ đang sở hữu, căn phòng chìm trong im lặng. Sau đó, Sarah - một người thừa kế có trong Hội nghị đã cam kết cho đi 1 triệu USD từ quỹ tín thác của mình. Cô dự định giảm tài sản cá nhân xuống chỉ còn 70.000 USD vào cuối năm 2025 để không còn gắn bó với số tiền mà cô cho là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản.
Kavi, 28 tuổi, lớn lên ở Ấn Độ, kể rằng anh cảm thấy mâu thuẫn khi làm việc trong các phong trào công lý xã hội trong khi vẫn sở hữu khối tài sản khổng lồ. “Tôi đang đấu tranh cho người bị áp bức, nhưng lại biết rằng chính mình cũng là một phần của hệ thống thống trị”.
Kết thúc Hội nghị, 35 người thừa kế cam kết sẽ quyên góp tổng cộng 9,2 triệu USD, tương đương hơn 233 tỷ đồng (chưa rõ thời gian cũng như quy mô phân bổ ra sao). Họ cho rằng đó là bước đầu tiên để thay đổi cách mà tài sản được phân phối trong xã hội.
Tham khảo BI