Sống

Hé lộ thân thế người nằm dưới khu lăng mộ cổ bí ẩn, trăm năm vẫn được bảo tồn nguyên vẹn giữa lòng Sài Gòn

Quỳnh Châu 14/01/2024 14:33

Khu mộ được xây bằng đá, có tường rào, mái che, họa tiết chạm khắc công phu. Hơn 100 năm qua, quần thể mộ cổ vẫn được bảo quản khá tốt.

Khi đi qua con hẻm 79/30 Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM, nhiều người sẽ bất ngờ khi nhìn thấy một khu lăng mộ nguy nga, hoa mỹ. Giữa một thành phố phồn hoa, đắt đỏ như Sài Gòn, ai là người đủ tiềm lực mua hẳn một khu đất hàng trăm mét vuông để làm điều đó? Theo thông tin trên bia, người nằm trong mộ là vợ chồng ông Lý Tường Quan hay còn gọi là Bá hộ Xường - người giàu có thứ 3 ở Nam kỳ lục tỉnh xưa.

Khu lăng mộ Bá hộ Xường tại hẻm 79/30 đường Phú Thọ Hòa

Khu lăng mộ Bá hộ Xường tại hẻm 79/30 đường Phú Thọ Hòa

Khu lăng mộ của Bá hộ Xường rộng khoảng 200m2, có cả cổng, tường bao, nhà mộ, mộ phần. Nét kiến trúc Gothic nơi đây rất tinh xảo nhưng cũng mang đậm hơi thở văn hóa dân gian.

Ngôi mộ còn mang nhiều nét độc đáo của kiến trúc cổ Trung Hoa: có nhà mồ, mặt tiền nhà mồ có cửa vòm chính giữa, trên vòm cửa có chữ Lý (Hán tự, chỉ họ Lý); hai bên trang trí dây leo hoa lá, trái quả...

Empty
Kiến trúc bên trong khu lăng mộ

Kiến trúc bên trong khu lăng mộ

Ở thời điểm được xây dựng, công trình này chắc chắn đã khiến người dân Sài Gòn phải choáng ngợp vì độ “chơi lớn”. Dù đã hơn 100 năm qua nhưng quần thể mộ cổ vẫn được bảo quản khá tốt.

Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842-1896). Ông là doanh nhân người Hoa thành đạt ở đất Chợ Lớn xưa. Câu thành ngữ “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” dùng để nhắc đến 4 người giàu có nhất Sài Gòn thời bấy giờ và ông Bá hộ Xường đứng thứ ba.

Được biết, Lý Tường Quan là người Quảng Đông, quê gốc ở Phiên Ngung, Quảng Châu. Gia đình ông đến Sài Gòn định cư vì bị nhà Thanh chèn ép. Ông là người có tài, rất thông minh và ham học. Ông tinh thông tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Pháp. Người Hoa tại Chợ Lớn đã bầu ông là bang chủ Tiều Châu. Người Pháp nghe tiếng mời ông làm thông ngôn rồi kiêm luôn bang chủ của cả 7 bang người Hoa.

Nghề thông ngôn thời ấy không đơn giản là chỉ phiên dịch. Người làm thông ngôn có điều kiện biết nhiều thông tin cơ mật và khả năng tiến thân vào bộ máy chính quyền Pháp là điều dễ dàng. Lý Tường Quan hiểu rõ điều đó nhưng bản chất không muốn tiến thân bằng con đường quan lộ. Năm 30 tuổi, ông xin nghỉ công việc thông ngôn trở về đời sống dân thường làm nghề buôn bán.

Ông Lý Tường Quang và vợ cả Nguyễn Thị Lâu

Ông Lý Tường Quang và vợ cả Nguyễn Thị Lâu

Khởi nghiệp đi buôn, ông về miền lục tỉnh mua cá đem ra bán ở Chợ Lớn. Ông bán cả cá khô lẫn cá tươi và có cả một đội thuyền để vận chuyển. Nhận thấy các ghe thuyền chỉ lưu thông một chiều rất lãng phí, ông nghĩ ngay đến việc chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết từ Chợ Lớn đua đến tận tay người nông dân. Nhờ vậy là chỉ trong thời gian ngắn việc buôn bán của ông phất lên như diều gặp gió.

Không chỉ buôn bán trong nước, ông mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Các loại cá khô, mắm được ông chế biến bán qua các nước lân cận. Công việc làm ăn của ông thuận lợi nhờ vào sự hiểu biết và tinh thông nhiều ngôn ngữ giúp ông vượt qua được những trở ngại ban đầu.

Cái tên Bá hộ Xường bắt đầu vang danh khi ông bước sang lĩnh vực bất động sản. Ông tìm mua những thửa đất giá rẻ ở những vị trí đẹp. Sau đó, ông xây nhà, xây biệt thự rồi cho thuê. Cứ thế ông phát triển và chỉ vài năm sau số nhà đất ông có trong tay con số khá lớn. Có thể nói, nhà đất của ông chiếm hết phân nửa vùng Chợ Lớn và lan rộng ra trong pham vi Gia Định.

Trong khi nhất Sỹ (huyện Sỹ), nhì Phương (tổng đốc Phương) làm giàu nhờ có các chức vụ trong chính quyền Pháp thì tam Xường (Lý Tường Quan) chỉ nhờ vào năng lực sẵn có của mình để tiến thân, khiến người đời cảm phục.

Đáng tiếc là sau khi Bá hộ Xường qua đời, con cháu ông đã ăn tiêu hết tài sản, nay không còn được như xưa. Chỉ có khu nhà mồ độc đáo ở hẻm 79/30 Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM là vẫn được giữ lại để “tôn tử tương tề đồng tâm”. Công trình đồ sộ này đến nay vẫn khiến người dân ngưỡng mộ.

Trước mộ có hai bức bức tượng người, gồm một nam một nữ. Giữa hai bức tượng là hương án bằng đá, phía trên có lư hương cũng bằng đá được tạo dáng đẹp và chạm khắc công phu

Trước mộ có hai bức tượng người, gồm một nam một nữ. Giữa hai bức tượng là hương án bằng đá, phía trên có lư hương cũng bằng đá được tạo dáng đẹp và chạm khắc công phu

Bên trong khu lăng mộ có di hài của người giàu thứ ba Sài Gòn năm xưa. Ông nằm trong cỗ quan tài lớn bằng đá xanh, dài 3,4m, rộng 2,2m, dày 0,3m, cao 0,8m. Hàng năm đến ngày 20/10 âm lịch, đám giỗ của Bá hộ Xường lại được tổ chức.

Nơi đặt di hài của người giàu thứ ba Sài Gòn xưa

Nơi đặt di hài của người giàu thứ ba Sài Gòn xưa

Bên trái nhà mồ là mộ cụ bà Nguyễn Thị Lâu - vợ ông Bá hộ Xường. Ngôi mộ không được xây hoành tráng như của mộ chồng nhưng cũng có tường bao mộ, sân mộ, bia trước, nấm mộ và bia sau mộ.

Tuy không lớn như mộ ông Lý nhưng mộ bà Nguyễn Thị Lâu lại có nét đẹp riêng

Tuy không lớn như mộ ông Lý nhưng mộ bà Nguyễn Thị Lâu lại có nét đẹp riêng

Cả hai ngôi mộ của ông Lý Tường Quan và bà Nguyễn Thị Lâu đều là di sản quý giá về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và chạm khắc trang trí của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

>> Xác ướp trăm tuổi vẫn nguyên vẹn giữa lòng Sài Gòn khiến các nhà khoa học cũng phải trầm trồ

Kiến trúc sư người Việt chủ trì xây dựng lăng mộ lừng danh thế giới, được UNESCO tôn vinh là di sản lịch sử, văn hóa nhân loại

Bên trong khu lăng mộ cổ được đích thân Quận công Lê Trung Nghĩa xây dựng cách đây gần 300 năm về trước ở xứ Thanh

Khám phá lăng mộ bằng đá của cha Nam Phương hoàng hậu: Cheo leo trên ngọn đồi rộng 4ha, cổng dựng 4 trụ biểu cao cùng 158 bậc thang dẫn đến lăng mộ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/he-lo-than-the-nguoi-nam-duoi-khu-lang-mo-co-bi-an-tram-nam-van-duoc-bao-ton-nguyen-ven-giua-long-sai-gon-d114746.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hé lộ thân thế người nằm dưới khu lăng mộ cổ bí ẩn, trăm năm vẫn được bảo tồn nguyên vẹn giữa lòng Sài Gòn
POWERED BY ONECMS & INTECH