Hiểu sao cho đúng quy định mới đề xuất về quản lý mạng xã hội?

15-09-2023 17:15|Trọng Đạt

Hôm nay (15/9) là hạn cuối lấy ý kiến cho dự thảo các quy định mới về quản lý Internet và thông tin trên mạng, trong đó có hoạt động của các mạng xã hội tại Việt Nam.

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Việc lấy ý kiến kéo dài đến hết ngày 15/9/2023. 

Dự thảo Nghị định thay thế bao gồm nhiều quy định mới với tác động không nhỏ. Do vậy, kể từ khi lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo Nghị định thay thế là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) đã nhận được nhiều đề xuất, góp ý từ phía các tổ chức, người dân, doanh nghiệp. 

Những vấn đề được nhiều người quan tâm là việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại, quy định yêu cầu nền tảng xóa tài khoản, kênh, nhóm vi phạm pháp luật. 

Bên cạnh đó, dư luận và các doanh nghiệp cũng muốn làm rõ các quy định về việc mạng xã hội phải có biện pháp kiểm tra, giám sát nội dung người dùng đăng tải, đồng thời phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu.

Kênh, tài khoản mạng xã hội không phải tài sản cá nhân

Trả lời những băn khoăn về việc quy định mới sẽ tạo gánh nặng lưu trữ, bảo mật cho các nhà cung cấp dịch vụ, các mạng xã hội, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, các thông tin cá nhân được Bộ TT&TT yêu cầu lưu trữ là những thông tin cơ bản, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ email. 

Theo Cục PTTH&TTĐT, đây không phải là quy định mới mà đã có từ Nghị định 72/2013. Dự thảo Nghị định thay thế chỉ yêu cầu bổ sung thêm một trường thông tin là số điện thoại di động. 

Thực tế cho thấy, việc thu thập, lưu trữ các thông tin này đều đã được các mạng xã hội thực hiện. Nhiều mạng xã hội còn dùng số điện thoại để xác thực người sử dụng. Do vậy, quy định mới trong dự thảo sẽ không hề tạo thêm gánh nặng lưu trữ, bảo mật cho doanh nghiệp”, bà Huyền chia sẻ. 

Một người dùng đang sử dụng Facebook - mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Đối với những băn khoăn về việc người dùng nước ngoài không thể có số điện thoại di động trong nước để sử dụng mạng xã hội Việt Nam, Cục PTTH&TTĐT đã ghi nhận và sẽ cân nhắc để có hướng xử lý, điều chỉnh cho phù hợp. 

Một số ý kiến cho rằng kênh, tài khoản, nhóm cộng đồng của người dùng mạng xã hội là tài sản cá nhân, khi thu hồi phải có lệnh của tòa án. 

Giải đáp thắc mắc trên, theo đại diện Cục PTTH&TTĐT, thỏa thuận người dùng hoặc tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng xã hội đều có quy định về việc khóa tài khoản khi cung cấp nội dung vi phạm. Như vậy, không cần đến yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, chính các nền tảng cũng đã làm việc này. Điều đó cũng có nghĩa, các mạng xã hội không coi đây là tài sản cá nhân của người dùng. 

Kiểm tra, giám sát là trách nhiệm của các mạng xã hội

Trước những nội dung chưa được hiểu rõ trong dự thảo Nghị định, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, quy định mới chỉ yêu cầu các doanh nghiệp có biện pháp kiểm tra, giám sát thông tin do người dùng cung cấp, tức là các doanh nghiệp có thể chủ động tiền kiểm hoặc hậu kiểm. Điều này nhằm đảm bảo giảm thiểu tối đa các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng. 

Các mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải của người sử dụng. Tuy nhiên, nội dung cung cấp trên mạng xã hội ảnh hưởng đến rất nhiều người. Do đó, nền tảng phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và loại bỏ các nội dung vi phạm khi có yêu cầu. 

Nếu không có vai trò phát tán, truyền đưa thông tin của mạng xã hội theo những thuật toán nhất định, nội dung thông tin sẽ không thể lan truyền. Đó là lý do các mạng xã hội phải có trách nhiệm giám sát và loại bỏ các nội dung vi phạm”, bà Huyền khẳng định. 

Các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook sẽ phải tuân thủ quy định pháp luật khi kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Đối với quy định về việc mạng xã hội phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, quy định này không bắt buộc các mạng xã hội phải cung cấp bộ công cụ rà quét riêng cho Bộ TT&TT. 

Hệ thống rà quét của Bộ TT&TT hoạt động hiệu quả với phần lớn nền tảng. Trong một số trường hợp cụ thể, khi thuật toán của nhà cung cấp dịch vụ khiến việc rà quét khó khăn, Bộ TT&TT sẽ có văn bản đề nghị doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ TT&TT sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế, trình Chính phủ nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý trong quá trình triển khai thực tế. 

Năm 2024: Người Việt online chủ yếu để lướt mạng xã hội

Sự thật về KOL làm bố đơn thân, bế con đi giao hàng khiến nghìn người xúc động

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hieu-sao-cho-dung-quy-dinh-moi-de-xuat-ve-quan-ly-mang-xa-hoi-2189816.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hiểu sao cho đúng quy định mới đề xuất về quản lý mạng xã hội?
    POWERED BY ONECMS & INTECH