Bất động sản

Hoành Sơn – doanh nghiệp “thế chân” Vinhomes đầu tư dự án 1 tỷ USD tại Hà Tĩnh là ai?

Sa Huỳnh 09/10/2023 09:56

Mặc dù có xuất phát điểm là một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng kể từ khi “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Hoành Sơn đã nhiều lần vượt mặt và thay thế các ông lớn tại các dự án có giá trị “khủng”.

Empty

Phối cảnh dự án Khu đô thị Hàm Nghi Hà Tĩnh (Ảnh: Internet)

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh về việc khảo sát, thực hiện Dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.

Dự án có quy mô 149,2 ha với tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), vốn được giao cho Công ty CP Vinhomes (Tập đoàn Vingroup) và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh & Phát triển thương mại Việt An – hai doanh nghiệp đã trúng sơ tuyển hồi giữa năm 2020. Tuy nhiên, đầu năm nay, sau khi Vinhomes và Việt An xác nhận không tiếp tục tham gia dự thầu dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã huỷ kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Hoành Sơn “thế chân” các ông lớn tại các dự án “khủng”. Chưa kể, Khu đô thị Hàm Nghi còn nằm ngay trên “sân nhà” Hà Tĩnh – nơi Hoành Sơn đã thực hiện không ít các dự án giá trị.

“Đại gia” quen mặt đình đám của tỉnh Hà Tĩnh

Tập đoàn Hoành Sơn được biết đến là một trong những doanh nghiệp “đình đám” tại Hà Tĩnh, có trụ sở chính tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 19/1/2001 bởi doanh nhân ông Phạm Hoành Sơn (hay còn được biết tới với biệt danh Sơn “xay xát”). Ông Sơn hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Tập đoàn, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. Sau hơn 20 năm phát triển, vốn điều lệ của Hoành Sơn đang ghi nhận ở mức 2.000 tỷ đồng. Còn theo giới thiệu trên website, Hoành Sơn có quy mô 2.000 nhân viên với tổng tài sản ở mức 250 triệu USD và doanh thu hàng năm lên tới 180 triệu.

Empty

Phần tự giới thiệu của Hoành Sơn trên website công ty

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Hoành Sơn là một doanh nghiệp đa ngành, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Từ một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, sau hơn 20 năm hoạt động, tới nay, Hoành Sơn đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời...

Đáng chú ý, kể năm 2011, cái tên Hoành Sơn bắt đầu nổi lên như một ông lớn tại khu vực miền Trung khi doanh nghiệp này tham gia vào các dự án nghìn tỷ như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng 4.415 tỷ đồng (2011), Cảng biển quốc tế Hoành Sơn 1.410 tỷ đồng (2015), Dự án Điện Mặt trời Cẩm Xuyên 1.458 tỷ đồng (2019), Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh 2.000 tỷ đồng (2019),…

Bên cạnh những thương vụ đầu tư giá trị tại quê nhà, Tập đoàn Hoành Sơn cũng được biết đến là một “tay chơi” M&A, chuyên hợp tác với các doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sở hữu “đất vàng”.

Giành quyền chi phối Cảng Phước An từ tay Petrovietnam

Năm 2016, Tập đoàn Hoành Sơn gây chú ý khi thâu tóm thành công siêu dự án Cảng Phước An trị giá hơn 17.000 tỷ đồng từ tay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam, HOSE: PVN) thông qua việc mua cổ phần của Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP).

Cần biết, với vị trí nằm bên bờ sông Thị Vải (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) - nơi có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất hiện nay tại Việt Nam, dự án Cảng Phước An là hạt nhân quan trọng, được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước, chiếm 70% lượng hàng container, 50% lượng hàng tổng hợp. Theo tìm hiểu, Cảng Phước An có tổng diện tích lên tới 733 ha (183 ha khu cảng và 550 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư hơn 17.571 tỷ đồng.

Để thực hiện đầu tư và khai thác siêu dự án này, ngày 29/4/2008, Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An được thành lập, với số vốn ban đầu là 440 tỷ đồng. Trong đó, Petrovietnam góp 350 tỷ đồng, Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) góp 75 tỷ đồng, còn lại là các cổ đông hác.

Mặc dù ở thời điểm sơ khai, Petrovietnam là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 79,54% nhưng đến năm 2016, sau khi Công ty Cảng Phước An thực hiện tăng vốn lên mức 900 tỷ đồng, Petrovietnam đã mất quyền chi phối vào tay Hoành Sơn. Thời điểm đó, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn – công ty con của Tập đoàn Hoành Sơn đã mua 46 triệu cổ phiếu PAP, qua đó nắm 51,11% vốn điều lệ, thay thế Petrovietnam trở thành công ty mẹ của Công ty Cảng Phước An. “Ông chủ” của Hoành Sơn là doanh nhân Phạm Hoành Sơn cũng ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp khai thác cảng này.

Empty

Dưới thời Hoành Sơn, kết quả kinh doanh của Công ty Cảng Phước An không mấy nổi trội

Tuy nhiên, dưới thời ông Sơn, hoạt động kinh doanh của Công ty Cảng Phước An không mấy nổi trội, lợi nhuận trồi sụt và “trắng doanh thu”. Doanh nghiệp này chủ yếu được biết đến với việc liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước và những lần cho Hoành Sơn “mượn vốn”. Năm 2017, Công ty Cảng Phước An đã tạm ứng 575,5 tỷ đồng cho Liên doanh Nga Sơn – Núi Hồng (đứng đầu liên doanh là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn của vợ ông Phạm Hoành Sơn). Đáng nói, sau khi nghiệm thu, giá trị mà liên doanh này thực hiện trên thực tế chỉ rơi vào khoảng 24 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với khoản tiền ứng trước. Hay như năm 2018, Công ty Cảng Phước An đã góp 153 tỷ đồng để thành lập Công ty CP BOT Đường vào Cảng Phước An và rồi số vốn này cũng được cho Tập đoàn Hoành Sơn của ông Sơn vay lại.

Sau những “ván game mượn vốn”, tháng 2/2019, Hoành Sơn bất ngờ “sang tay” Công ty Cảng Phước An cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A - công ty con của Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Đến năm 2021, sau khi Công ty Cảng Phước An tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, ông Phạm Hoành Sơn cũng rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Cảng Phước An, nhường chỗ cho ông Nguyễn Thành Đạt - một nhân sự chủ chốt của Tuấn Lộc.

Vượt mặt loạt “đại gia” địa ốc, thâu tóm “đất vàng” "cao - xà – lá” Nguyễn Trãi

ctcp-tap-doan-hoanh-son-175846-16410986064362050019694-0-20-675-1100-crop-16410986137591492114443.png

Cũng trong thời gian giành quyền chi phối Cảng Phước An, Hoành Sơn đã khiến giới quan sát không khỏi bất ngờ khi vượt mặt một loạt “đại gia” địa ốc để thâu tóm khu “đất vàng” 6 ha "cao - xà – lá” (nghĩ là cao su, xà phòng và thuốc lá). Khu vực này từng được mệnh danh là tổ hợp công nghiệp sầm uất bậc nhất thủ đô Hà Nội những năm 70-90 và là nơi đặt nhà máy cao su Sao Vàng, địa chỉ 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Cần biết, giai đoạn 2008 – 2009, khi nhà máy Cao su Sao Vàng có chủ trương di dời ra ngoại thành, khu đất nói trên đã được ấp ủ triển khai thành dự án bất động sản cao cấp và được rất nhiều ông lớn “nhòm ngó”. Năm 2011, từng có tin đồn về việc dự án đã lọt vào “mắt xanh” của Vingroup nhưng Tập đoàn này đã lên tiếng bác bỏ.

Năm 2012, khi liên doanh Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty CP Bất động sản Việt Hưng đồng ý chi 720 tỷ đồng hỗ trợ Cao su Sao Vàng di dời nhà máy, những tưởng dự án đã tìm được nơi “trao thân gửi phận”. Tuy nhiên, thương vụ này đã không thể hoàn tất do vấp phải sự phản đối từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - cổ đông lớn nhất của Cao su Sao Vàng.

Năm 2016, sau rất nhiều đồn đoán xem FLC hay BRG sẽ là đơn vị được “chọn mặt gửi vàng”, Cao su Sao Vàng bất ngờ ký kết hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Hoành Sơn, đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép xây dựng và phát triển dự án trên khu “đất vàng” hơn 6 ha, với mặt tiền trải dài 250m dọc đường Nguyễn Trãi, nằm đối diện Royal City.

Dự án mang tên “Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn”, được hai bên triển khai thông qua Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn. Theo tìm hiểu, công ty liên doanh này có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng và được nâng lên mức 500 tỷ đồng vào năm 2017. Kể từ khi thành lập đến khi tăng vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu của Cao su Sao Vàng tại công ty liên doanh luôn được duy trì ở mức 26%, số còn lại do Hoành Sơn sở hữu.

Theo thỏa thuận, Tập đoàn Hoành Sơn cho Cao su Sao Vàng vay 26 tỷ đồng với lãi suất là 0% trong vòng 36 tháng để góp vốn vào công ty liên doanh. Hết thời hạn vay vốn, Cao su Sao Vàng sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty liên doanh cho Tập đoàn Hoành Sơn.

Ngoài ra, Tập đoàn Hoành Sơn sẽ hỗ trợ 435 tỷ đồng kinh phí để Cao su Sao Vàng di dời nhà máy về Khu công nghiệp Châu Sơn, TP. Phủ Lý, Hà Nam. Đáng nói, với mức hỗ trợ này, mỗi mét vuông đất tại đây chỉ đạt khoảng 7 triệu đồng, thấp hơn 40% so với đề xuất mà liên doanh Phú Mỹ - Việt Hưng từng đưa ra vào năm 2012.

Empty

Dự án “đất vàng” Nguyễn Trãi vẫn “án binh bất động” còn nhà máy cao su chưa di dời xong. Ảnh: Zing News.

Tuy nhiên, những diễn biến sau đó mới thực sự gây bất ngờ. Song song với việc thâu tóm dự án “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi, Tập đoàn Hoành Sơn liên tục gom mua cổ phiếu SRC, từng bước “đặt chân” vào Cao su Sao Vàng. Với việc sở hữu 24,54% vốn điều lệ, Hoành Sơn trở thành cổ đông lớn thứ hai của Cao su Sao Vàng, chỉ sau Vinachem. Cùng với đó, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch Tập đoàn cũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đáng nói, sau khi vượt thời hạn thỏa thuận 2 năm, Hoành Sơn mới chỉ giải ngân cho Cao su Sao Vàng 143,5 tỷ đồng. Sau đó, Cao su Sao Vàng cũng dừng triển khai di dời nhà máy và đến nay vẫn chưa có động thái rút lui tại công ty dự án. Dự án “đất vàng” Nguyễn Trãi theo đó vẫn đang “án binh bất động”.

Những điểm “gợn” tại các dự án bất động sản khác

ctcp-tap-doan-hoanh-son-175846-16410986064362050019694-0-20-675-1100-crop-16410986137591492114443.png

Bên cạnh các dự án nói trên, Tập đoàn Hoành Sơn cũng góp mặt tại khá nhiều dự án bất động sản khác. Trong đó có thể kể đến Dự án Nhà ở xã hội dành cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an tại ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng (tên thương mại là Hoành Sơn Complex), Trung tâm thương mại Trần Phú tại TP. Hà Tĩnh, Trung tâm thương mại phường Hưng Dũng, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An… Và hầu như, các dự án này đều “dính” không ít lùm xùm.

Đối với Hoành Sơn Complex, “đại gia” Hà Tĩnh từng khiến khách hàng “đứng ngồi không yên” vì bàn giao chậm tiến độ và mang dự án 800 tỷ này đi thế chấp ngân hàng. Năm 2020, mặc dù vẫn còn nhiều hạng mục thi công dang dở và chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng dự án đã để cư dân vào ở. Theo ghi nhận của một số tờ báo, thậm chí đến năm 2021, Hoành Sơn Complex vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành.

Đối với Dự án Trung tâm thương mại Trần Phú tại TP Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 30/9/2017 và đưa vào hoạt động sau 24 tháng. Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 2019, Hoành Sơn tiến hành động thổ và đến nay dự án này chỉ mới hoàn thiện được phần thô.

Tương tự, Dự án Trung tâm thương mại khách sạn và dịch vụ tổng hợp tại phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, mặc dù được cấp giấy phép xây dựng từ tháng 7/2019 nhưng đến nay dự án này cũng chưa hẹn ngày “về đích”.

Ngoài ra, cũng tại “quê nhà”, giai đoạn 2013 - 2016, Hoành Sơn làm thủ tục xin thuê 4 khu “đất vàng” tại thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh và TP. Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khu đất trung tâm ngã tư thị xã Hồng Lĩnh đang được cho là có dấu hiệu sử dụng không đúng mục đích và đã cho doanh nghiệp khác thuê lại. Hiện tại, trên khu đất này là trụ sở Phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Còn khu đất tại phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, vốn được biết đến là nơi toạ lạc Dự án Văn phòng làm việc 5 tầng của Hoành Sơn, tới nay vẫn đang là căn nhà 2 tầng được cải tạo lại.

Phát hiện con đường Thiên Lý vắt qua dãy Hoành Sơn

Tìm thấy hàng loạt mộ cổ xung quanh con đường 200 năm tuổi của Việt Nam vừa được phát lộ, nghi là nơi an nghỉ của binh lính từng bảo vệ Hoành Sơn Quan

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/hoanh-son-doanh-nghiep-the-cho-vinhomes-dau-tu-du-an-1-ty-usd-tai-ha-tinh-la-ai-d109573.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Hoành Sơn – doanh nghiệp “thế chân” Vinhomes đầu tư dự án 1 tỷ USD tại Hà Tĩnh là ai?
POWERED BY ONECMS & INTECH