Do không có giá FIT nên các dự án điện gió tại Gia Lai chưa thể nghiệm thu và đóng điện.
Ngày 24/11, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, tỉnh chỉ mới đóng điện được 563 MW, còn 629 MW chưa được đóng điện, tương đương 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư, bị treo nhiều năm nay.
“Hơn 25.000 tỷ đồng đầu tư tại các dự án điện gió, bị “treo” mãi hơn 2 năm nay. Ngoài Trung ương chưa đồng ý cho nối điện, bây giờ đã được tháo gỡ (đã ban hành giá điện). Nhà đầu tư đang hoàn thành các thủ tục để đấu nối”, ông Binh nói.
Về lý do bị treo, theo ông Binh, giá điện hỗ trợ là công cụ chính sách được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo (FIT) chỉ có hiệu lực đến ngày 31/10/2021. Sau đó trở đi, không có giá FIT, nên các dự án điện gió chưa thể nghiệm thu và đóng điện.
Từ năm 2020, để tháo gỡ cho các dự án điện nghìn tỷ đồng, Sở Công thương Gia Lai đã có văn bản gửi Bộ Công thương và UBND tỉnh Gia Lai ký văn bản gửi cơ quan Trung ương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian nghiệm thu thi công đến hết năm. Lý do vướng dịch Covid-19, nhà đầu tư không thể vận chuyển trang thiết bị, cung ứng thiết bị bị chậm… Tuy nhiên, không nhận phản hồi.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai được quy hoạch và triển khai 17 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW. Trong đó, 7 dự án điện gió đang vận hành, với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại một phần, với tổng công suất 117,2 MW; chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại, với tổng công suất 287,8 MW.
Năm dự án điện gió đã triển khai thi công hoàn thành, nhưng chưa đưa vào vận hành (tổng công suất 341,2 MW). Ngoài ra, 1 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng. Tổng 17 dự án điện gió ở Gia Lai, có mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Văn Binh, tiềm năng về điện ở Gia Lai là rất lớn, khả năng khai thác lên đến 18.000 MW. Tuy nhiên, tới đây các bộ, ngành chỉ đồng ý quy hoạch là 600 MW. Gia Lai hiện có 3 trạm 500 KV, đủ sức truyền tải điện từ Nam ra Bắc và ngược lại.