Hơn 30 năm trước, một Tiến sĩ gốc Việt ‘thay da đổi thịt’ chiếc máy 'ăn' tiền ATM, góp phần tạo nên cuộc cách mạng chấn động ngành ngân hàng thế giới
Đây vốn là thiết bị quen thuộc trong thời đại ngày nay, nhưng khoảng những năm 1960, đó là cả một “điều kỳ diệu” chưa từng có.
Từng được mệnh danh là chiếc máy “ăn” tiền hay “cái khe trên tường” kỳ diệu, máy rút tiền tự động (ATM) đã mang đến một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngân hàng ngay lần đầu xuất hiện. Công nghệ này không chỉ thay đổi cách thức giao dịch tài chính mà còn định hình lại thói quen tiêu dùng của con người.
“Cái khe trên tường” thay đổi thế giới
Vào những năm 1960, việc rút tiền mặt vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào các giao dịch tại ngân hàng, giới hạn trong giờ hành chính và đòi hỏi khách hàng phải xếp hàng chờ đợi. Nhu cầu tìm kiếm một giải pháp tiện lợi hơn đã thôi thúc các nhà phát minh sáng tạo ra những thiết bị mang tính cách mạng, mà nổi bật nhất là máy rút tiền tự động (ATM).
Thực tế, các ý tưởng về máy rút tiền tự động đã xuất hiện từ trước thập niên 1960. Năm 1939, Luther George Simjian, một nhà phát minh người Mỹ, đã cho lắp đặt một thiết bị tương tự tại Ngân hàng Citibank (New York). Tuy nhiên, do không đạt được kỳ vọng, chiếc máy nhanh chóng bị tháo dỡ.
Phải đến năm 1967, chiếc máy ATM đầu tiên do ông John Shepherd-Barron phát minh mới chính thức ra mắt tại Ngân hàng Barclays ở London (Anh). Dù còn nhiều hạn chế, ATM vẫn được đánh giá cao vì mang lại sự tiện lợi hơn so với việc phải trực tiếp đến ngân hàng.
Sự xuất hiện của máy ATM không chỉ thay đổi cách thức rút tiền mà còn tạo nên một bước ngoặt trong thói quen chi tiêu của người dùng. Với khả năng tiếp cận tiền mặt nhanh chóng, ATM đã khuyến khích hành vi mua sắm ngẫu hứng và gia tăng chi tiêu vào buổi tối hay cuối tuần, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế tiêu dùng.
Từ những năm 1970, các ngân hàng và công ty công nghệ không ngừng cải tiến công nghệ ATM, thống nhất tiêu chuẩn hoạt động và mở rộng hệ thống. Số lượng máy ATM đã tăng trưởng nhanh chóng, từ chưa đầy 1.500 máy trên toàn cầu vào thập niên 1970 lên đến 40.000 máy trong thập niên 1980 và cán mốc 1 triệu máy vào những năm 2000.
Người Việt và dấu ấn trong cuộc cách mạng ATM
Trong lịch sử phát triển của máy ATM, nhiều nhà khoa học và kỹ sư trên thế giới đã để lại dấu ấn quan trọng. Một trong số đó là Tiến sĩ Đỗ Đức Cường, nhà khoa học gốc Việt, người đã góp phần cải tiến thiết kế ATM, giúp thiết bị này trở nên hoàn thiện và phổ biến như ngày nay.
Tiến sĩ Đỗ Đức Cường sinh ra và lớn lên tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tuổi thơ khó khăn đã hun đúc ý chí học tập vượt khó của ông. Ban đầu, ông theo học ngành Y khoa, sau đó chuyển sang ngành Kỹ thuật Cơ khí.
Năm 1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn của Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam, ông Đỗ Đức Cường đã trở thành người có chỉ số thông minh cao nhất. Nhờ vào cơ may này, ông được cấp học bổng sang Nhật Bản để theo học tại Đại học Osaka. Trong quá trình du học tại đất nước hoa anh đào, ông tranh thủ làm thêm tại Công ty Toshiba để tích lũy thêm kinh nghiệm và có thêm thu nhập.
Sau khi hoàn thành chương trình học, ông tiếp tục hành trình học vấn tại Mỹ, tập trung vào lĩnh vực ngân hàng. Trong sự nghiệp, ông đã sở hữu ít nhất 58 phát minh và bằng sáng chế trong các lĩnh vực ngân hàng và thiết bị viễn thông.
Năm 1997, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường cùng nhóm 3 tác giả khác, đã nhận bằng sáng chế số D386883 từ Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ. Đây là một trong những bước cải tiến quan trọng, giúp máy ATM khắc phục các nhược điểm như cồng kềnh, khó vận chuyển và khả năng rút tiền hạn chế. Từ những chiếc máy đơn giản ban đầu, thiết kế của ông đã mở ra một kỷ nguyên mới, giúp ATM nhỏ gọn, dễ sử dụng hơn và có thể phục vụ người dùng liên tục.
Trước khi được cải tiến, các máy ATM đời đầu thường gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật. Chúng không chỉ nặng nề, khó di chuyển mà còn thiếu tính năng thân thiện với người dùng, như việc chỉ cho phép rút một số tiền nhất định theo mã hóa của ngân hàng. Các lỗi kỹ thuật và chi phí vận hành cao khiến nhiều ngân hàng phải tiêu tốn hàng triệu USD để duy trì hệ thống ATM.
Quan điểm “quần chúng hóa” dịch vụ ngân hàng của ông đã trở thành kim chỉ nam cho các cải tiến, giúp ATM tiếp cận được nhiều tầng lớp khách hàng hơn và trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
Năm 2003, sau nhiều năm sống và làm việc tại nước ngoài, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường trở về Việt Nam, đảm nhận vai trò cố vấn cao cấp cho nhiều tổ chức như Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Sài Gòn Công Thương, Taxi Mai Linh, Bảo hiểm Bảo Việt… Với kiến thức sâu rộng trong các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế và tài chính, ông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nhiều doanh nghiệp trong nước.