Hòn đảo tiền tiêu của Việt Nam được mệnh danh là 'chiến hạm không thể đánh chìm', chỉ rộng hơn 10km2 nhưng mật độ dân số gần bằng Hà Nội

03-04-2024 14:45|Quỳnh Châu

Trong số 12 huyện đảo trên cả nước, đây là huyện đảo có mật độ dân số đông nhất nước ta, góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển.

Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có biển với 125 huyện ven biển. Trong đó, có 12 huyện đảo gồm Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn, Kiên Hải, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo.

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được tách ra từ huyện Bình Sơn vào năm 1993. Đến cuối năm 2019, huyện Lý Sơn có 3 xã gồm An Vĩnh, An Hải và An Bình. Tháng 3/2020, huyện Lý Sơn giải thể các đơn vị hành chính 3 xã. Đây cũng là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi không có cấp xã.

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo VnExpress

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo VnExpress

Đảo Lý Sơn có diện tích tự nhiên khoảng 10,32km2, dân số gần 23.000 người, mật độ dân số khoảng 2.134 người/km2, là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của nước ta. Mật độ dân số của huyện đảo này gần bằng với thủ đô Hà Nội (2.398 người/km2) - địa phương đông dân thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nằm cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 18 hải lý, ở quãng giữa đường biển từ Móng Cái đến Cà Mau, huyện đảo Lý Sơn giữ vị trí chiến lược trọng yếu trên vùng biển Đông, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, Lý Sơn có nhiều tiềm năng về du lịch, kinh tế và nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa. Hòn đảo này còn được mệnh danh là đảo Tiên.

Cuộc sống về buổi tối trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Báo Thanh Niên

Cuộc sống về buổi tối trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Báo Thanh Niên

Theo Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn, huyện có khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác. Lý Sơn nằm trên đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu kinh tế Dung Quất cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Vị thế này của Lý Sơn đã đưa huyện đảo trở thành đơn vị hành chính tiền tiêu của đất nước, vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có nhiều điều kiện để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Vỏn vẹn hơn 300ha đất nông nghiệp nhưng cư dân Lý Sơn đã làm nên thương hiệu

Vỏn vẹn hơn 300ha đất nông nghiệp nhưng cư dân Lý Sơn đã làm nên thương hiệu "vương quốc tỏi". Ảnh: Báo Dân Trí

Bên cạnh nghề biển, người dân Lý Sơn còn nổi tiếng với nghề trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn là giống tỏi đặc trưng được trồng ở huyện đảo này và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận thương hiệu riêng. Tỏi ở đây củ nhỏ vừa, tép đều, màu trắng, chắc. Ăn tỏi Lý Sơn ta cảm nhận được cả các mùi vị thơm cay dịu ngọt nồng hơn củ tỏi được trồng ở những vùng đất khác. Do có hương vị ngon, khác với các vùng khác nên giá của tỏi Lý Sơn khá cao, dao động từ 190.000 - trên 2 triệu/kg tùy vào loại tỏi.

Lý Sơn cũng nổi tiếng bởi có kiến tạo địa chất đặc biệt và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Người dân bản địa có thể kể cho bạn những câu chuyện ngoại sử thú vị trên hành trình khám phá Lý Sơn, cùng câu chuyện của các nhà khoa học nghiên cứu mấy năm qua. Như danh thẳng Cổng Tò Vò, Chùa Đục nằm ngay miệng núi lửa Giếng Tiền có câu chuyện giận hờn của núi, chúng tách nhau ra tạo nên đảo Bé. Chuyện ngoại sử ấy hóa ra lại có căn cứ khi công nghệ phát triển. Từ bản đồ vệ tinh, nếu lấy đảo Bé ghép vào đảo Lớn sẽ chính xác như có mối nối...

Miệng núi lửa niên đại hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Quảng Nam TV

Miệng núi lửa niên đại hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Quảng Nam TV

Thả hồn nơi hai ngọn núi lớn nhất đảo, du khách cảm nhận đủ đầy gió trời từ biển thổi vào căng tràn lồng ngực, trước khi ngắm nhìn "thành trì" khổng ở danh thắng Hang Câu. Có thể nói, nơi đây là đệ nhất thắng cảnh núi lửa của Việt Nam và thế giới. Giáo sư Setsura Nakada - Chủ tịch Hội đồng khoa học Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (UNESCO) - đã nhiều lần đến nơi này. Ông khẳng định: "Giá trị địa chất và thắng cảnh ở Hang Câu rất quý giá và hiếm có trên thế giới".

Đảo Lý Sơn như một chiến hạm sừng sững giữa biển khơi

Đảo Lý Sơn như một chiến hạm sừng sững giữa biển khơi

Lý Sơn không đơn thuần là huyện đảo ven bờ ở miền Trung, mà còn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nơi "lưu giữ ký ức" với nhiều trầm tích văn hóa miệt biển, là "chiến hạm không thể đánh chìm", tiền tiêu của biển đảo Việt Nam. Ở đây, đàn ông bao đời dong thuyền ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản. Đàn bà ở nhà trồng tỏi, buôn bán nhỏ để nuôi con.

Vùng biển đảo chưa từng chịu hòn tên viên đạn nào qua các cuộc chiến tranh, nên trầm tích văn hóa vẫn lưu giữ tương đối nguyên vẹn. Đặc biệt là các di sản văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể chưa từng phát huy, khai thác hết.

>> Hòn đảo cách bờ biển miền Trung gần 30km trồng loại cỏ thần kỳ nhưng là thuốc quý, được mệnh danh cây trường thọ

Hòn đảo thơ mộng nhưng được mệnh danh 'đáng sợ nhất thế giới', từng có dân cư sầm uất nay lại hoang vắng, không một ai dám ghé thăm

Hòn đảo đông dân nhất thế giới đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm, quốc gia vạn đảo rót 60 tỷ USD xây tuyến đê biển ‘cứu sống’

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/hon-dao-tien-tieu-cua-viet-nam-duoc-menh-danh-la-chien-ham-khong-the-danh-chim-chi-rong-hon-10km2-nhung-mat-do-dan-so-gan-bang-ha-noi-d119453.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòn đảo tiền tiêu của Việt Nam được mệnh danh là 'chiến hạm không thể đánh chìm', chỉ rộng hơn 10km2 nhưng mật độ dân số gần bằng Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH