HoREA gửi thư KHẨN: Đề nghị 'đặt mình vào hoàn cảnh người dân' trước khi ban hành Bảng giá đất mới
HoREA cho rằng chưa nên ban hành Bảng giá đất áp dụng từ 1/8/2024, mà nên xây dựng Bảng giá đất lần đầu áp dụng từ 01/01/2026.
Ngày 31/7/2024, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã gửi một công văn KHẨN đến UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên và Môi trường, với nội dung liên quan đến Bảng giá đất sẽ áp dụng từ ngày 1/8/2024.
Tâm tư từ HoREA: Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh người dân
Tiêu đề văn bản của HoREA khẳng định rõ ràng: "Đề nghị đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy rõ hơn vì sao tại thời điểm hiện nay chưa nên ban hành Bảng giá đất áp dụng từ 01/08/2024 mà chỉ nên xây dựng Bảng giá đất lần đầu, áp dụng từ ngày 01/01/2026 theo quy định của Luật Đất đai 2024”. Tiêu đề này thể hiện rõ tâm tư và nguyện vọng của HoREA.
Để minh chứng cho quan điểm của mình, HoREA đưa ra hai ví dụ cụ thể:
Trường hợp 1 - ông A – thực tế đau Lòng: Ông A làm hồ sơ xin cấp “Giấy chứng nhận” cho căn nhà đã xây dựng từ lâu trên thửa đất 100m² tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh, khu dân cư ổn định tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Thửa đất này có nguồn gốc là đất nông nghiệp với giá hiện tại là 200.000 đồng/m². Nếu áp dụng theo Bảng giá đất cũ, ông A sẽ phải nộp 660 triệu đồng tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo Dự thảo Bảng giá đất mới, giá đất nông nghiệp tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh được quy định là 3,2 triệu đồng/m², trong khi giá đất đường Nguyễn Văn Linh là 65 triệu đồng/m². Điều này khiến số tiền ông A phải nộp tăng lên 6,18 tỷ đồng, gấp 9,3 lần so với số tiền phải nộp theo bảng giá hiện hành.
>> Từ ngày hôm nay, TP. HCM áp dụng bảng giá đất mới: Những ai bị ảnh hưởng?
Trường Hợp 2 - ông B – thiệt hại nặng nề: Ông B làm hồ sơ xin “tách thửa” 1.000m² đất nông nghiệp để chia cho các con, đồng thời xin chuyển mục đích sử dụng đất thành 05 thửa đất ở. Theo bảng giá hiện tại, ông B sẽ phải nộp 6,6 tỷ đồng. Nhưng nếu áp dụng bảng giá đất mới, số tiền này sẽ tăng lên 61,8 tỷ đồng, gấp 9,3 lần so với hiện tại.
HoREA cho rằng, nếu được chọn giữa hai phương án, cả ông A và ông B đều sẽ chọn phương án giữ nguyên giá đất hiện tại để phù hợp với khả năng tài chính của mình. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều người dân khác.
HoREA còn chỉ ra rằng những người dân sống trong các khu vực quy hoạch treo như Bình Quới - Thanh Đa đang phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Họ không được cấp Giấy phép xây dựng mới, không được tách thửa hay chuyển mục đích sử dụng đất. Khi Thành phố tháo gỡ các quy hoạch treo trong tương lai, những người dân này sẽ lại phải đối mặt với mức giá đất rất cao theo dự thảo mới.
>> Tin vui cho người dân 'xuống tiền' mua nhà: Sẽ được nhận Sổ đỏ sau 3 ngày
Kiến nghị của HoREA: Đừng vội vàng ban hành Bảng giá đất mới
HoREA đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ các quy hoạch treo, dự án treo đến giữa năm 2025. Điều này sẽ giúp người dân có thời gian thực hiện các quyền của mình và giảm bớt thiệt thòi khi áp dụng bảng giá đất hiện tại.
HoREA kiến nghị chưa nên ban hành Bảng giá đất áp dụng từ 1/8/2024, mà nên xây dựng Bảng giá đất lần đầu áp dụng từ 01/01/2026 theo quy định của Luật Đất đai 2024.
HoREA cũng hoan nghênh Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố Dự thảo Bảng giá đất, giúp người dân biết trước giá đất trong thời gian tới. Nếu thành phố áp dụng bảng giá đất hiện hành và hệ số điều chỉnh giá đất cho đến ngày 31/12/2025, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính cho người dân và làm được điều này, Thành phố sẽ ghi điểm trong lòng dân.
>> Lý giải vì sao TP. HCM 'bất ngờ' tăng giá đất từ ngày 1/8?
TPHCM đang điều chỉnh, chưa xây dựng bảng giá đất mới
Từ ngày hôm nay, TP. HCM áp dụng bảng giá đất mới: Những ai bị ảnh hưởng?