Huawei trình làng chip 5nm ‘Made in China’ đầu tiên, tuyên chiến với công nghệ phương Tây
Thành tựu này cho thấy Trung Quốc đang tiến từng bước vững chắc trên con đường xây dựng một hệ sinh thái công nghệ độc lập, giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Sau nhiều năm nghiên cứu, Huawei vừa chính thức ra mắt 2 mẫu máy tính HarmonyOS – MateBook Pro và MateBook Fold – được trang bị bộ vi xử lý Kirin X90 sản xuất trên tiến trình 5nm hoàn toàn trong nước.
Đây là một cột mốc đáng nhớ đối với riêng Huawei, đồng thời là tín hiệu cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đã vượt qua một ngưỡng cửa quan trọng trong hành trình tự chủ công nghệ.
Trong khi chip Kirin 9000 trước đây vốn dựa vào công nghệ 5nm của TSMC, Kirin X90 là sản phẩm “nội địa hóa” hoàn toàn – từ thiết kế đến sản xuất – trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu nhiều ràng buộc từ các lệnh cấm công nghệ do Mỹ ban hành.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc có thể thương mại hóa chip 5nm, một kỳ tích từng bị coi là xa vời chỉ cách đây vài năm.

Theo SCMP, Kirin X90 đã vượt qua các bài kiểm tra của Trung tâm Đánh giá An toàn Thông tin Trung Quốc, đạt cấp độ an toàn II. Bộ vi xử lý này được tối ưu để vận hành liền mạch với hệ điều hành HarmonyOS – cũng do Huawei phát triển – hình thành một chu trình khép kín từ phần cứng đến phần mềm.
Tại sự kiện ra mắt, các chuyên gia đánh giá cao sự kết hợp giữa Kirin X90 và HarmonyOS, không chỉ nâng cao hiệu năng và tối ưu điện năng mà còn hỗ trợ khả năng tương tác đa thiết bị – từ điện thoại, máy tính bảng đến laptop.
Đây là lần đầu tiên quốc gia này sở hữu một hệ sinh thái PC hoàn toàn dựa trên công nghệ “cây nhà lá vườn”, từ chip xử lý cho đến hệ điều hành.
Truyền hình Trung Quốc cũng công bố video phân tích hiệu năng của dòng chip Kirin, trong đó nhấn mạnh mẫu Kirin 910C với kiến trúc chồng lớp đột phá đã rút ngắn đáng kể khoảng cách hiệu năng so với các dòng chip hàng đầu của Mỹ.
Trong bối cảnh Washington siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ, bước tiến này không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn có ý nghĩa chiến lược, giúp Trung Quốc giảm dần sự lệ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Theo thống kê, năm 2023, tỷ lệ chip Mỹ trong tổng lượng nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ còn 3%. Đến năm 2025, thị phần chip ngoại trong thị trường máy chủ AI của Trung Quốc dự báo sẽ giảm mạnh từ 63% xuống còn khoảng 42%.
Giới phân tích cho rằng mục tiêu lớn của Trung Quốc không phải là “đóng cửa” với thế giới, mà là hướng tới một mô hình “tự chủ có kiểm soát” - đặc biệt trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi yếu tố địa chính trị.
Việc Huawei tự sản xuất được chip 5nm và phát triển hệ điều hành riêng cho thấy nước này đang dần thiết lập nền tảng vững chắc để xây dựng một hệ sinh thái công nghệ độc lập.
HarmonyOS – hệ điều hành nội địa do Huawei phát triển – hiện đã hỗ trợ hàng nghìn thiết bị và dự kiến tích hợp hơn 2.000 ứng dụng vào cuối năm nay.
Giới công nghệ nhận định Huawei đang đi theo lộ trình mà những gã khổng lồ như Apple hay Microsoft từng vạch ra: kiến tạo một hệ sinh thái toàn diện. Nếu thành công, chiến lược này không chỉ thay đổi cuộc chơi tại thị trường Trung Quốc, mà còn có thể tái định hình bản đồ công nghệ toàn cầu trong tương lai.
>> Né đòn Mỹ, Nvidia chuẩn bị bán chip AI 'siêu rẻ' dành riêng cho Trung Quốc để giành lại thị phần