Thế giới

Israel sắp ‘xóa sổ’ nhóm Hezbollah thân Iran ở Lebanon?

Tuấn Anh 01/10/2024 07:10

Israel tuyên bố đã loại bỏ thủ lĩnh Hassan Nasrallah và phần lớn chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah. Điều này làm dấy lên đồn đoán về khả năng nhóm vũ trang được Iran ở Lebanon sắp bị “xóa sổ”.

Hezbollah hôm 28/9 xác nhận, thủ lĩnh Nasrallah của nhóm đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của quân Israel vào Beirut, Lebanon một ngày trước đó. Cái chết của ông Nasrallah đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử Trung Đông gần đây, nhưng kết quả lâu dài vẫn còn chưa rõ ràng.

cac lanh dao quan su Hezbollah IDF.jpg
Quân đội Israel tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh Hassan Nasrallah và 9 chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah. Ảnh: IDF

Diễn biến đặt ra một câu hỏi quan trọng là, các vụ tấn công của Tel Aviv nhằm trừ khử hầu hết các quan chức hàng đầu của Hezbollah có làm tổ chức vũ trang Hồi giáo tê liệt hay không. Theo CNN, câu trả lời ngắn gọn tạm thời là “không”.

Lịch sử Israel cho thấy, những cuộc tấn công “loại bỏ đầu não” không phải lúc nào cũng thành công trong việc làm tê liệt một nhóm vũ trang đối địch. Năm 2008, Israel hạ sát Imad Mughniyeh, lãnh đạo quân sự của Hezbollah ở Damascus, Syria, nhưng nhóm này đã tập hợp sức mạnh trong những năm sau đó.

4 năm trước đó, các lực lượng Tel Aviv đã tiêu diệt Sheikh Ahmed Yassin, người sáng lập Phong trào Hồi giáo Hamas, nhóm đồng minh khác của Iran ở Dải Gaza, trong một cuộc không kích. Hamas vẫn chưa sụp đổ và gần 2 thập kỷ sau, nhóm đã thực hiện vụ đột kích đẫm máu vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng chỉ trong một ngày và gần 200 người khác làm con tin.

Gần đây hơn, vào tháng 7 vừa qua, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã loại bỏ Mohammed Deif, một trong những người chủ mưu vụ đột kích 7/10 và cũng là chỉ huy quân sự chủ chốt của Hamas, nhưng nhóm chiến binh này vẫn tiếp tục chiến đấu ở Dải Gaza.

Mỹ cũng theo đuổi việc trừ khử các thủ lĩnh khủng bố, với hy vọng chiến lược đó sẽ làm tê liệt kẻ thù. Khi Abu Musab al-Zarqawi, lãnh đạo mạng lưới khủng bố Al Qaeda ở Iraq mất mạng trong một cuộc không kích của Mỹ năm 2006, đó được coi là một bước đột phá lớn vì tổ chức này có vai trò đáng kể trong cuộc nội chiến đang tàn phá quốc gia Trung Đông vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, 8 năm sau, Al Qaeda cuối cùng biến đổi thành tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS), chiếm quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng bằng diện tích của Bồ Đào Nha và có dân số khoảng 8 triệu người ở Iraq và Syria. ISIS cũng thực hiện một loạt vụ tấn công khủng bố tàn bạo ở phương Tây, ví dụ như tại Paris, Pháp năm 2015, khiến 130 người thiệt mạng.

Điều thực sự chấm dứt "vương quốc Hồi giáo" về mặt địa lý của ISIS không phải là cuộc tấn công vào ban lãnh đạo của tổ chức, mà là một chiến dịch chống khủng bố trên bộ kéo dài từ năm 2014-2019, do quân đội Iraq và các lực lượng người Kurd ở Syria tiến hành, với sự hỗ trợ của hàng nghìn binh sĩ và sức mạnh không quân đáng gờm của Mỹ. Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq và cũng là căn cứ địa của ISIS, gần như đã bị phá hủy trong chiến dịch đó.

Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã cho phép thực hiện một cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) ở Pakistan, giết chết thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban Mullah Akhtar Mohammad Mansour. Tuy nhiên, ngày nay, Taliban vẫn kiểm soát toàn bộ Afghanistan.

Đầu tháng 1/2020, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Donald Trump đã hạ lệnh tấn công vào Baghdad, Iraq, dẫn đến cái chết của Tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), người đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Tehran với các nhóm ủy nhiệm trong khu vực như Hezbollah, Hamas, Houthi ở Yemen và dân quân người Shi’ite ở Iraq.

Song, vụ ám sát ông Soleimani không ảnh hưởng lâu dài đến quyền lực cũng như tham vọng trong khu vực của Iran. Hezbollah, Hamas và Houthi vẫn tiếp tục nhắm vào các mục tiêu Israel và dân quân người Shi’ite không ngừng tập kích các mục tiêu Mỹ ở Iraq.

Mỹ đã xếp cả Taliban, Houthi, Hamas, ISIS và Hezbollah vào danh sách các nhóm khủng bố.

Vậy điều gì có thể làm tê liệt một nhóm vũ trang chống đối? Theo giới quan sát, một chiến dịch liên tục nhằm loại bỏ càng nhiều thủ lĩnh và quản lý cấp trung của nhóm càng tốt. Viên nghiên cứu New America trích dẫn ví dụ về một chiến dịch tấn công bằng UAV của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), được đẩy mạnh vào năm 2008 tại các vùng bộ lạc của Pakistan giáp với Afghanistan đã giúp tiêu diệt nhiều lãnh đạo của Al Qaeda.

Các tài liệu do lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ (đơn vị đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại khu tư dinh của hắn ở Abbottabad, Pakistan năm 2011) thu thập, hé lộ thủ lĩnh mạng lưới Al Qaeda thường xuyên viết thư cho những người ủng hộ ở các vùng bộ lạc của nước này, thúc giục họ chỉ di chuyển vào những ngày nhiều mây, khi UAV kém hiệu quả hơn. Bin Laden cũng lên kế hoạch rút tất cả những người tin theo hắn ra khỏi vùng bộ lạc và đưa họ tới tái định cư ở những nơi khác thuộc Pakistan.

Cái chết của Bin Laden chắc chắn đã góp phần đáng kể vào việc làm suy yếu sức hút của Al Qaeda đối với những phần tử khủng bố cũng như khả năng thực hiện các cuộc tấn công của tổ chức này, vì hắn là người sáng lập, chỉ đạo các hoạt động đẫm máu nhất của nhóm và các thành viên nhóm đã tuyên thệ trung thành với hắn. Ayman al-Zawahiri, kẻ kế nhiệm Bin Laden không có sức lôi cuốn hoặc kỹ năng tổ chức để hồi sinh Al Qaeda. Bản thân Zawahiri cũng bị trừ khử trong một cuộc tấn công bằng UAV của Mỹ ở Afghanistan cách đây 2 năm. Liên Hợp Quốc ước tính hiện có khoảng 400 thành viên của Al Qaeda đang bám trụ ở Afghanistan.

Trong khi Al Qaeda chỉ là một nhóm khủng bố với quy mô tương đối nhỏ, Hezbollah đã tồn tại được 4 thập kỷ và được Iran hậu thuẫn. Nhóm đã trở thành một lực lượng chủ chốt trong khu vực, quy tụ đội quân khoảng 30.000 chiến binh, được trang bị kho vũ khí đồ sộ với khoảng 150.000 tên lửa và rocket.

Vụ hạ sát thủ lĩnh Nasrallah là thành quả quan trọng đối với Israel trong đợt đẩy mạnh tấn công Hezbollah vào đầu tháng này kết hợp với những nỗ lực bí mật gây nổ hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên cũng như hàng loạt cuộc không kích diện rộng, phá hủy cơ sở hạ tầng và kết liễu sinh mạng của các chỉ huy cấp cao khác của nhóm.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lưu ý, hiện vẫn còn quá sớm để Israel có thể “xóa sổ” được Hezbollah, dù nhóm vũ trang ở Lebanon này rõ ràng đang trong tình trạng khủng hoảng. Lịch sử cho thấy, nhóm sẽ tái tổ chức và bổ nhiệm các lãnh đạo mới để tiếp tục cuộc chiến lâu dài chống Israel.

Siêu cường chủ chốt của BRICS đẩy nhanh dự án hệ thống đường sắt tỷ đô kết nối 3 biển và khu vực Tây Á

Iran đòi Mỹ bồi thường 1.000 tỷ USD

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/israel-sap-xoa-so-nhom-hezbollah-than-iran-o-lebanon-2327415.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Israel sắp ‘xóa sổ’ nhóm Hezbollah thân Iran ở Lebanon?
    POWERED BY ONECMS & INTECH