Kể từ nay, xây nhà trên đất rừng phòng hộ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Người dân xây nhà trái phép trên đất rừng phòng hộ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đất rừng phòng hộ là gì?

Đất rừng phòng hộ là loại đất trồng rừng mà loại rừng đó có ý nghĩa trong. việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống hiện tượng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống việc sa mạc hóa và hạn chế các thiên tai, góp phần điều hòa khí hậu, không khí, bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đáp ứng các dịch vụ môi trường.
Người dân có được phép xây nhà trên đất rừng phòng hộ hay không?
Tại Điều 9 Luật Đất đai 2024, đất rừng phòng hộ là đất thuộc nhóm đất nông nghiệp theo phân loại đất của nước ta. Trong khi đó, nhà ở chỉ được phép xây dựng trên đất ở (đất thổ cư và thuộc nhóm đất phi nông nghiệp).
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 có quy định cụ thể về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, cụ thể: Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp.
Trong trường hợp chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp cần phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, pháp luật cũng không quy định những trường hợp được phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất ở.
Do đó, người được giao quản lý đất rừng phòng hộ sẽ không được phép chuyển đất rừng phòng hộ sang đất thổ cư, đồng nghĩa với việc không được xây nhà trên đất này mà chỉ được chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp.
Xây nhà trên đất rừng phòng hộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo quy định, việc xây dựng công trình nhà ở trên đất rừng phòng hộ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến xử phạt hành chính: Tại Điều 10 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022) quy định đối với hành vi chuyển đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng tùy vào diện tích đất chuyển mục đích trái phép.
Người vụ phạm cũng sẽ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc phải đăng ký đất đai theo quy định đối với các trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trong trường hợp người có hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất rừng phòng hộ nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành Tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này.
Cụ thể, sẽ tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà người phạm tội có hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất rừng phòng hộ, có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 01 năm tới 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội sẽ bị cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
>> Từ bây giờ, trường hợp đất không sổ đỏ này sẽ vẫn được bồi thường khi bị thu hồi đất