Kênh đào 200 tuổi vừa xác lập kỷ lục Việt Nam: Qua 2 thế kỷ vẫn là công trình quan trọng bậc nhất của Tây Nam Bộ
Kênh đào này vừa được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác lập kỷ lục là “Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam”.
Kênh đào Vĩnh Tế (kênh Vĩnh Tế) có chiều dài 91km, rộng 30m và sâu 2,55m, được thi công xây dựng bằng sức người trong 5 năm (từ năm 1819-1824) dưới triều Nguyễn. Kênh đào song song với biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thuộc phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, thẳng nối giáp với sông Giang Thành, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Ngày 14/11, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã xác lập và trao bằng chứng nhận cho UBND tỉnh An Giang với danh hiệu “Kênh Vĩnh Tế: Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam”.
Kênh Vĩnh Tế xác lập kỷ lục Việt Nam. Ảnh: Hội Kỷ lục gia Việt Nam |
Từ khi hoàn thành vào thế kỷ 19 đến nay, kênh Vĩnh Tế đã được xem như một công trình thủy lợi mang tầm vóc chiến lược. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò quan trọng trong kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, cung cấp nước ngọt, và bồi đắp phù sa cho ruộng đồng vùng Tứ giác Long Xuyên. Đồng thời, kênh còn là tuyến phòng thủ tự nhiên kiên cố, góp phần bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
PGS. TS Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận định, kênh Vĩnh Tế không chỉ là một công trình thủy lợi mà còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.
Đầu kênh Vĩnh Tế đoạn hợp lưu với sông Châu Đốc (nhánh chính của sông Hậu) dẫn nước ngọt ra tới biển Tây Nam. Ảnh: Đình Tuyến |
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai" tổ chức ngày 14/11, nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh tiềm năng lớn của kênh Vĩnh Tế đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Nhật - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kênh Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất An Giang và là một trong bốn kênh lớn nhất Nam Bộ. Tầm quan trọng của kênh không chỉ nằm ở lịch sử mà còn ở giá trị hiện tại và tương lai.
Năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định mở tuyến kênh T5 - Tuần Thống (sau này gọi là kênh Võ Văn Kiệt) dài 36km, dẫn nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế ra biển Tây, góp phần quan trọng vào việc khai thác tiềm năng vùng Tứ giác Long Xuyên. Sau 10 năm (1989-1999), chương trình này đã giúp An Giang trở thành một trong những tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước.
>> Kênh đào lớn nhất Việt Nam lần đầu tiên gặp sự cố, phải tạm ngừng hoạt động
Kênh Vĩnh Tế đoạn đầu giáp với sông Châu Đốc. Ảnh: Hoàng Nam |
PGS. TS Nguyễn Đình Lê (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh, việc phát huy tiềm năng kênh Vĩnh Tế một cách khoa học sẽ giúp khắc phục nhiều khó khăn do thiên tai, đặc biệt là biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang ngày càng gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Kênh Vĩnh Tế không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của vùng Tây Nam Bộ.
>> Đề xuất tăng vốn, lùi thời gian thực hiện dự án cải tạo kênh dài nhất TP. HCM