Khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam năm 2023
Tối 12/12, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023 đã chính thức khai mạc tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; bộ trưởng, thứ trưởng và đại sứ các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tham dự buổi lễ.
Diễn ra từ ngày 11-15/12, Festival năm nay là sự kiện quy mô, tầm cỡ nhất trong suốt hành trình 14 năm kể từ Festival lúa gạo lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2009.
Hành trình từ một quốc gia thiếu đói vươn lên trở thành một trong những quốc gia tự chủ về lương thực và xuất khẩu hàng đầu thế giới của Việt Nam được các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam.
Với lượng gạo xuất khẩu 6-8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.
Năng suất lúa gạo Việt Nam đã đạt mức cao trên thế giới, tăng từ 4,88 tấn/ha năm 2008 đã tăng lên 6,07 tấn/ha năm 2023. Mỗi năm xuất khẩu trung bình trên 6 triệu tấn/năm, riêng 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo với giá trị 4,4 tỉ USD. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại các thị trường, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ tới châu Phi.
Không chỉ tăng sản lượng sản xuất, giá gạo của Việt Nam cũng tăng lên cùng với chất lượng gạo. Giá bình quân xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.
Bên cạnh sản lượng, chất lượng không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của hầu hết thị trường cao cấp. Hơn 90% gạo Việt xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới.
Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là sự kết tinh từ những đóng góp không mệt mỏi của những người nông dân trồng lúa, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp chế biến và thương mại và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế.
Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng; đồng thời mong muốn các nước phát triển, các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành hàng lúa gạo và hệ thống lương thực thực phẩm xanh, bền vững hơn, góp phần thực hiện thành công các cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và vì một thế giới không còn đói nghèo./.