Thành phố này không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, người dân thân thiện mà còn thu hút du khách bởi những cây cầu độc đáo.
Đà Nẵng - “Thành phố của những cây cầu”
TP. Đà Nẵng rộng 1.285km2, có dân số là 1,134 triệu (số liệu 2019), là 1 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam. Nằm tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, thành phố này là trung tâm kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất của khu vực Miền Trung. Thành phố này đóng vai trò là hạt nhân quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. TP. Đà Nẵng hiện là đô thị loại 1, là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia.
Đà Nẵng nằm miền Trung của Việt Nam, có vị trí chiến lược trong cả kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Thành phố này đóng vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo của khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Đồng thời, Đà Nẵng cũng là trung tâm tổ chức các sự kiện cấp khu vực và quốc tế. Với vai trò là đô thị biển và đầu mối giao thông quan trọng, Đà Nẵng đóng vai trò hàng đầu trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Đà Nẵng được thiên nhiên ưu ái ban tặng đủ mọi địa hình từ núi, sông và biển. Trong quá trình phát triển và xây dựng thành phố, con sông Hàn uốn lượn qua trung tâm, đã trở thành điểm nhấn quan trọng. Các nhà quy hoạch đã chọn sông Hàn làm trung tâm cho việc thiết kế và xây dựng các cây cầu đẹp mắt, kết nối hai bờ Đông và Tây của thành phố.
Được biết đến với tên gọi là “thành phố của những cây cầu”, TP. Đà Nẵng đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng giao thông. Chỉ trong vòng 25 năm kể từ khi chia tách với Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành 2 đơn vị hành chính độc lập, thành phố này đã xây dựng khoảng 20 cây cầu quy mô lớn, bao gồm cả cầu vượt cạn và cầu vượt sông và chỉ riêng khu vực sông Hàn đã có tới 9 cây cầu.
Những cây cầu nổi tiếng ở Đà Nẵng
Cầu Rồng Vàng
Cầu Rồng nằm ở phía nam của cầu sông Hàn, cách khoảng 1,5km. Đây là một cây cầu mang kiến trúc độc đáo, toàn bộ cấu trúc của nó được thiết kế như hình ảnh một con rồng đang uốn mình vươn ra phía biển. Đây là thiết kế của một cuộc thi tuyển kiến trúc cầu có 17 phương án tham dự từ nhiều nước trên thế giới.
Cầu Rồng bắt đầu được khởi công vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2013. Cầu được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép kết hợp với kết cấu thép, có chiều dài 666,5m và rộng 37,5m, được chia thành 5 nhịp. Trong đó, nhịp chính dài 200m, 2 nhịp bên mỗi nhịp dài 128m, nhịp đầu rồng dài 72m, và nhịp đuôi rồng dài 64,15m.
Phần tạo hình điêu khắc rồng được thực hiện bởi nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, một nghệ nhân đến từ Đà Nẵng. Phần đầu của rồng được thiết kế với một hệ thống cơ - điện cho phép nó có thể phun nước và phun lửa, một hoạt động được thực hiện đặc biệt vào cuối tuần để thu hút khách du lịch. Cầu Rồng đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tạp chí chuyên ngành giao thông và du lịch, được xem là một trong những cây cầu độc đáo nhất trên thế giới.
Cầu quay sông Hàn
Cầu sông Hàn (cầu quay sông Hàn) nằm tại trung tâm Đà Nẵng, là một biểu tượng đặc trưng của thành phố này. Được xây dựng từ năm 1998 và hoàn thành vào năm 2000, cây cầu này đại diện cho sự phát triển mạnh mẽ và sự hội nhập của Đà Nẵng, đồng thời mở đường cho sự xuất hiện của những cây cầu mới bắc qua sông Hàn trong thế kỷ 21, kết nối hai bờ đông và tây của thành phố.
Cầu sông Hàn có chiều dài 487,7m và rộng 12,9m, với tổng cộng 11 nhịp, trong đó có hai nhịp dây văng. Phần trung tâm của cây cầu có khả năng quay 90 độ để tàu lớn có thể đi qua. Đây là cây cầu quay đầu tiên được thiết kế và xây dựng bởi kỹ sư và công nhân Việt Nam, và cũng là cây cầu quay duy nhất tại Việt Nam hiện nay.
Cầu sông Hàn không chỉ là biểu tượng của sự phối hợp và đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân, mà còn được coi là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Hình ảnh của cây cầu này thường xuất hiện trên biển tên đường của thành phố Đà Nẵng và được sử dụng trong logo của thành phố.
Cầu Vàng
Cầu Vàng (Golden Bridge) nằm ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển, mang đến một tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra vùng nông thôn xung quanh. Cây cầu màu vàng được tạo thành từ dãy hoa Lobelia màu tím kéo dài gần 150m, uốn cong theo thiết kế tinh tế. Tuy nhiên, điểm nhấn thực sự của kiến trúc ấn tượng này chính là hai bàn tay điêu khắc, nâng đỡ cây cầu.
Những hình ảnh về cầu Vàng đã lan tỏa mạnh mẽ trên các diễn đàn du lịch hàng đầu thế giới và trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm đáng kinh ngạc từ cộng đồng quốc tế.
Cầu Trần Thị Lý
Cầu Trần Thị Lý được đặt theo tên của một anh hùng nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Nam. Nằm về phía nam của cầu Rồng và cách khoảng 1,5km, cây cầu này thay thế cho một cây cầu cũ cùng tên. Cầu Trần Thị Lý có quy mô tương đương với cầu Rồng, được bắt đầu xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành vào ngày 29/3/2013, cùng thời điểm với cầu Rồng.
Cây cầu này có cấu trúc dây văng độc đáo, với chỉ một trụ duy nhất nghiêng 12 độ về phía tây. Với chiều dài 731m và chiều rộng 35,5m, cầu được chia thành 12 nhịp, trong đó nhịp dây văng dài 230m. Trụ dây văng được làm bằng bê tông cốt thép, cao 145m, với thang máy và sàn vọng cảnh ở đỉnh trụ.
Cấu trúc độc đáo của cầu Trần Thị Lý đã tạo ra nhiều kỷ lục, với gối trụ cầu nặng 3,2 tấn và có khả năng chịu lực lớn nhất thế giới hiện nay (tới 32.000 tấn). Ngoài ra, cầu cũng có kết cấu một mặt phẳng dây lớn nhất Đông Nam Á (rộng 34,5m). Nhìn từ xa, hệ dây văng và thân cầu tạo ra hình ảnh một con thuyền với cánh buồm đỏ rực.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi
Nằm cạnh cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi được đưa vào sử dụng từ năm 1965, được thiết kế và xây dựng bởi công ty RMK của Mỹ. Cây cầu sử dụng kiến trúc vòm bằng thép Poni, một loại vật liệu hiếm hoi tại Việt Nam. Đây là một trong những cây cầu có tuổi đời lâu nhất trong danh sách những cầu nổi tiếng ở Đà Nẵng.
Với hơn nửa thế kỷ tồn tại, cây cầu này đã chứng kiến sự phát triển của thành phố từng bước. Hiện nay, sau những công trình phục vụ bảo dưỡng và nâng cấp, cầu Nguyễn Văn Trỗi đã mang lại diện mạo mới, trẻ trung và đầy năng động. Được coi là một biểu tượng của thành phố, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch và là địa điểm phố đi bộ nổi tiếng.
Cầu Thuận Phước
Cầu Thuận Phước có thiết kế theo mô hình cầu treo dây võng, với chiều dài 1.856m và rộng 18m (bao gồm 4 làn xe và 2 lối đi bộ). Điều độc đáo nhất là cầu giữ kỷ lục cầu có khẩu độ nhịp dây võng lớn nhất Việt Nam, với 3 nhịp dây võng thép dài 655m và khẩu độ nhịp dây võng dài 405m nối 2 tháp cao 92m, tạo nên một thiết kế độc đáo và mềm mại cho công trình.
Với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, cây cầu này được khởi công từ 2003 và mất tới 6 năm để hoàn thành, chính thức được đưa vào sử dụng vào năm 2009.
*Tổng hợp: Cổng Thông tin Điện tử thành phố Đà Nẵng, Vnexpress, Báo Đà Nẵng
>> Cầu treo vắt ngang sông thơ mộng và hùng vỹ, cảnh đẹp như tranh ở Điện Biên
Cây cầu 2.700 tỷ có nhịp dẫn xoắn lớn nhất thế giới, chịu được tải trọng lên đến 55.000 tấn
Tỉnh duy nhất Trung Quốc không có đồng bằng, là quê hương của những cây cầu cao nhất thế giới