Khám phá ‘Sơn Đoòng của miền Bắc’: Có khối thạch nhũ hình bảo tháp cao ngang tòa nhà 7 tầng, tượng Phật Bà tự nhiên trên vách đá và hồ treo đẹp như mơ
Hang động này được ví như “kho báu” tự nhiên được người dân địa phương gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Bản Chin Chu Chải nằm cách trung tâm xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường khoảng 3km và cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 8km. Đây là nơi sinh sống của hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Mông. Tên gọi "Chin Chu Chải" có nghĩa là "rừng trúc", vì khu vực này từng là nơi mọc nhiều cây trúc. Bản nằm trên một bình nguyên ở độ cao trung bình 1.030 mét, thuộc dãy núi hùng vĩ Pu Sam Cáp.
Không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình, Chin Chu Chải còn ẩn chứa một “kho báu” tự nhiên mà người dân đã gìn giữ qua nhiều thế hệ - Động Chin Chu Chải. Theo những đánh giá ban đầu, hang động này đã thiết lập nhiều kỷ lục về quy mô so với các hang động khác trong tỉnh Lai Châu nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.
Bước vào cửa động, du khách sẽ ngỡ ngàng trước không gian rộng lớn, vòm hang cao và rộng hàng chục mét, đủ sức chứa những tòa nhà cao từ 7 đến 10 tầng - điều hiếm thấy ở các hang động khác trong khu vực Tây Bắc.
Phần trần hang khô ráo không có thạch nhũ cho thấy cửa động có thể hình thành từ một hố sụt địa chất. Một số người lớn tuổi trong bản kể lại rằng, khi còn nhỏ, họ vào động nhưng không dám nói chuyện lớn vì âm thanh trong hang vọng lại, do hiệu ứng vang của vòm hang rộng và nhiều ngách nhỏ. Cửa động được bao quanh bởi tầng cây bụi, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ như một công viên nhỏ giữa thiên nhiên.
Vòm cửa động Chin Chu Chải, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường rất rộng lớn. Ảnh: Cu Porter, Vương Sơn
Bước vào khoang thứ ba của động, du khách sẽ thấy một khối thạch nhũ khổng lồ, tráng lệ như một tòa bảo tháp. Khối thạch nhũ này có hình trụ, chu vi khoảng 20 mét và cao tương đương một tòa nhà 7 tầng. Kích thước khổng lồ của khối đá này khiến nó được so sánh với các cột nhũ đá lớn nhất tại hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). Đây có thể là một trong những cột đá lớn nhất và độc đáo nhất từng được phát hiện tại Lai Châu và vùng Tây Bắc nói chung. Ánh sáng chiếu vào làm hàng triệu tinh thể lấp lánh, khiến ai chiêm ngưỡng cũng phải trầm trồ.
Bức tượng Phật trên một nhũ đá. Ảnh: Cu Porter, Vương Sơn
Tiến sâu vào khoảng 2km, du khách sẽ tới khoang thứ tư, nơi có “Bức tường Việt Nam” được ví như phiên bản thu nhỏ của kiệt tác trong Hang Sơn Đoòng. Bức tường thạch nhũ được tạo ra từ những dòng nước chảy từ thành hang, nó trông như một tường thành hùng vĩ, lấp lánh như được “đóng băng”. Bức tường biểu tượng cho sự vững chãi và bền bỉ.
Điểm đặc biệt nhất của khoang này là “Hồ treo thanh tịnh” – một hồ nước trong veo quanh năm không bao giờ cạn. Giữa hồ là hai cột nhũ đá độc đáo, một cao một thấp, cách nhau khoảng một mét. Khi nhìn từ góc nghiêng 45 độ với lòng thành kính, du khách có thể thấy hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát (Phật Bà) được tự nhiên tạo hình tinh xảo.
Trong tư thế tượng, một tay Phật Bà cầm nhành liễu hướng lên trên, tay kia cầm bình thanh tịnh đổ nước cam lồ xuống, tạo thành một “Ao Tiên” nhỏ giữa lòng động. Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh, mang đến sự bình yên và giải thoát.
Càng đi sâu khám phá, Động Chin Chu Chải càng mở ra những vẻ đẹp kỳ bí, độc đáo và hoang sơ. Mỗi khoang động đều ẩn chứa rất nhiều khối thạch nhũ với hình thù độc đáo. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp kỳ vĩ của một hang động phá vỡ nhiều giới hạn của những hang, động đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung.