Khát vọng 2045 vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh

04-12-2023 07:32|PV

Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đã dành những lời nhận xét sâu sắc để đánh giá về cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh” trong buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách cuối tuần trước.

Ông nói: “Cuốn sách ra mắt lần này đã đáp ứng được đầy đủ các yếu tố “đúng người, đúng nội dung, đúng thời điểm”.

Ông giải thích, “Đúng nội dung”, cuốn sách đề cập đến các vấn đề thời sự đang là những trăn trở hiện nay trong việc xây dựng và phát triển kinh tế nước nhà; “Đúng người” ở việc cuốn sách được viết nên bởi những cá nhân, những chuyên gia tâm huyết, luôn mong muốn cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước; “Đúng thời điểm”, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng như hiện nay, sự ra đời của cuốn sách rất phù hợp và có một vai trò quan trọng, góp thêm những ý kiến tham khảo trong việc định vị và phát triển một Việt Nam giàu mạnh.

Cuốn sách ông nói đến bao gồm nhiều bài viết về sự phát triển của đất nước do Giáo sư Trần Văn Thọ và nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chủ biên, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành.

gs tran van tho.jpeg
GS Trần Văn Thọ phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách

Tọa đàm giới thiệu sách là một sự kiện rất đặc biệt để những người như nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; ông Vũ Quốc Tuấn, thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nay đã 90 tuổi, hay GS. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; các chuyên gia kinh tế như TS. Cấn Văn Lực; TS. Nguyễn Khắc Giang và đặc biệt là nhiều sinh viên tuổi ngoài 20 tham dự.

Cuốn sách được phát hành trong bối cảnh Nghị quyết số 43 vừa được ban hành với nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đây là điểm mà Giáo sư Trần Văn Thọ luôn trăn trở. Ông từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hiện, ông là thành viên Hội đồng cố vấn Dự án Vietnam 2045 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam.

GS Thọ nhận xét, chỉ còn hai năm nữa là Việt Nam tròn 50 năm thống nhất và hòa bình. Cả nước sẽ phải nỗ lực thực hiện công nghiệp hóa, phát triển kinh tế trong điều kiện thế giới ngày càng biến đổi và có nhiều bất định. Nhiều vấn đề và thách thức mới mẻ đang đặt ra cho xã hội Việt Nam đương đại quanh cột mốc và bối cảnh đó.

Bên cạnh đó, Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 (tháng 1 năm 2021) đã đưa ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ thành nước tiên tiến có thu nhập cao. Hiện nay, tầm nhìn dài hạn này hầu như được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia, nhiều cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, và được bàn luận sôi nổi về các điều kiện để đạt mục tiêu năm 2045.

Cuốn sách này, như GS Thọ mong muốn, sẽ trả lời câu hỏi: để đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh trong khoảng hai thập niên tới, Việt Nam cần chuẩn bị những tiền đề gì. Cuốn sách sẽ góp thêm một tiếng nói vào cuộc thảo luận của toàn xã hội về mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam đã được bàn luận lâu nay. Những câu hỏi như cần đổi mới thể chế ở những linh vực nào, cần có chiến lược, chính sách cụ thể gì để kinh tế phát triển nhanh, bền vững và đạt lý tưởng công bằng và còn nhiều câu hỏi hơn nữa sẽ được đặt ra và lý giải trong cuốn sách.

Trao đổi với các bạn sinh viên sinh ra sau năm 2000, tức thế hệ gen Z, không còn chứng kiến hay trải qua nền kinh tế kế hoạch hóa, họ sinh ra và lớn lên trong hòa bình trọn vẹn, điều mà những thế hệ trước đó không có được, ông Thọ đã nói nhiều về vai trò của các em.

GS Thọ cũng tin rằng, thế hệ sinh viên hiện tại sẽ là những người góp phần vào thực hiện mục tiêu Việt Nam 2045. "Chúng ta đang sống trong thời đại biến động. 5 năm trước, không ai nghĩ sẽ có những thay đổi địa chính trị như hiện tại. Để sống trong thời đại này, chúng ta cần có năng lực để thích ứng và năm bắt. Đọc nhiều, biến thông tin thành tri thức của các bạn, đó là lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ Việt Nam đang rất năng động", GS Thọ nói.

Nhà kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặc biệt bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam.

“Được làm việc với các bạn trẻ, tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin về sự phát triển. Có thể các bạn không hiểu nhiều về các cuộc chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua, chưa thực sự thuộc sử Việt Nam như chúng tôi mong muốn, nhưng các bạn sinh ra ở thời đại này, đất nước này, các bạn có Internet, biết về thế giới xung quanh, có những điều mà thời chúng tôi vì không có được nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Nhiều bạn trẻ đã nắm bắt được, đã có những dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp xanh... thực sự ấn tượng”, bà Lan chia sẻ.

Bà nói: “Phần công việc được làm với người trẻ đã tiếp thêm cho tôi năng lượng, hiểu biết và đặc biệt tiếp thêm cho tôi niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của người dân đất nước này”.

cuon sach.jpeg
Buổi toạ đàm ra mắt cuốn sách

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, cũng đưa ra lời khuyên quan trọng dành cho sinh viên. Ông nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu "Việt Nam dân giàu nước mạnh", sinh viên cần phải mang theo hai từ khóa quan trọng đó là: "khát vọng" và "thời gian". 

Ông khuyến khích sinh viên cần phải có khát vọng, đặc biệt là phải biết gắn khát vọng cá nhân với khát vọng phát triển chung của đất nước, đồng thời cần biết sử dụng thời gian một cách thông minh để thực hiện hiệu quả tất cả các mục tiêu đã đề ra.

Cuốn sách này được phát hành cũng như một món quà dành tặng cho nhà kinh tế Phạm Chi Lan và nhà báo Vũ Kim Hạnh, hai nhà hoạt động xã hội nổi bật với nhiều đóng góp cho phát triển.

Giáo sư Cao Huy Thuần, Đại học Picardie, Pháp đánh giá, chuyên gia Phạm Chi Lan cả đời thẳng thắn với phong ba ở trên ngọn; còn nhà báo Vũ Kim Hạnh vun trồng từng cọng rễ ở dưới gốc. Dù gốc hay ngọn, hai bà đã từng làm sáng lên, trong tư tưởng và hành động, cái động lực của mọi phát triển, tiến bộ: hơi thở của sáng tạo mà buồng phổi đòi hỏi khẩn thiết dưỡng khí.

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Tôi vô cùng trân quí chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và nhà báo Vũ Kim Hạnh, hai nhà trí thức, hai người phụ nữ mà cuộc đời của họ là tấm gương suốt đời trăn trở, suốt đời hoạt động không mệt mỏi để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước. Việc phát hành cuốn sách Việt Nam dân giàu nước mạnh không chỉ nhằm đóng góp các giải pháp phát triển đất nước mà còn là món quà nhằm vinh danh hai người phụ nữ này thật không gì trân trọng và phù hợp hơn”.

Xuyên suốt những cuốn sách, những bài viết là nỗi nỗi trăn trở, khắc khoải cho sự phát triển đất nước của GS Trần Văn Thọ, làm sao để Việt Nam tránh được tụt hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia láng giềng và thế giới.

Sau Đổi mới, ngày nay Việt Nam có GDP xếp thứ 40 trên thế giới và trở thành đối tác chiến lược toàn diện với 6 quốc gia hàng đầu thế giới. Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại FTA, trở thành quốc gia cởi mở nhất trên thế giới. Đất nước ta có tăng trưởng cao và đạt được sự thần kỳ về xóa đói, giảm nghèo.

Nhưng ở góc độ khác, GDP đầu người của Việt Nam vẫn xếp 117, vẫn ở mức thấp của thế giới. GDP của Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng 0,3% GDP toàn cầu. Nhiều chỉ số đo sự phát triển của Việt Nam vẫn ở hạng thấp của thế giới. Người Việt Nam dường như rất khó để vươn lên chiếm các vị trí cao hơn của chuỗi giá trị, đa số vẫn còn làm công nhân, làm thuê ở đáy của chuỗi giá trị. Nguy cơ sa vào bẫy thu nhập trung bình thấp vẫn hiện hữu.

Khát vọng, vì thế, cần phải song hành cùng hành động để hiện thực hoá mục tiêu thịnh vượng 2045.

Lan Anh

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khat-vong-2045-vi-mot-viet-nam-dan-giau-nuoc-manh-2222421.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khát vọng 2045 vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH