Tài chính Ngân hàng

Kiểm toán Nhà nước đã cảnh báo các rủi ro của ngân hàng SCB từ năm 2019

Thu Hằng 05/06/2024 - 09:03

Kiểm toán Nhà nước đã cảnh báo về các rủi ro của Ngân hàng SCB từ năm 2019, trong đó nổi lên là tăng trưởng tín dụng vượt quá chỉ tiêu, thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phải vay hỗ trợ thanh khoản và vay đặc biệt từ NHNN.

Trao đổi về hoạt động kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, rủi ro có thể ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng, trong đó có Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – SCB.

Chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc liên quan đến kiểm toán ngân hàng

Hằng năm Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đều có kế hoạch kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng, nhưng thời gian qua, cũng vẫn còn một số ngân hàng để xảy ra sai phạm. Vậy KTNN đã thực hiện việc này như thế nào, thưa ông?

Riêng trong lĩnh vực kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng, KTNN đã phát hành 10 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 599,4 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách 380,5 tỷ đồng, giảm chi ngân sách và chi đầu tư 2,5 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 216,3 tỷ đồng.

Đồng thời, KTNN kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

W-KiemtoanNhanuoc.jpg
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng. Ảnh: H.H

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng, KTNN đã có nhiều phát hiện kiểm toán có tính đột phá, đi sâu phát hiện những lỗi hệ thống mang tính chất phức tạp.

Từ đó, KTNN có các kiến nghị có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động quản lý Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.

Kết quả kiểm toán lũy kế giai đoạn từ 2015 đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 18.107 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi 45 văn bản; đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng.

Tính riêng giai đoạn 2012 đến nay, KTNN đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra 5 vụ việc liên quan đến lĩnh vực kiểm toán ngân hàng.

Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy một số ngân hàng TMCP tồn tại những rủi ro ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng. Vậy KTNN đã góp phần vào hoạt động giám sát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng như thế nào?

Hiện nay chỉ có Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 4 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MB) là các đơn vị được kiểm toán theo quy định của Luật KTNN 2015.

Các ngân hàng TMCP khác không có vốn Nhà nước sẽ không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.

Mặc dù vậy, KTNN vẫn nỗ lực chủ động tham gia tối đa vào việc giám sát hoạt động của các ngân hàng TMCP trong phạm vi và thẩm quyền của mình.

Thông qua việc kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là kiểm toán tại Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, KTNN đã chỉ ra và cảnh báo những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn tới tính thanh khoản và an toàn của nhóm ngân hàng TMCP đang phải đối mặt.

Chẳng hạn như vấn đề thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, phân loại nợ chưa phù hợp; tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ của một số ngân hàng cao.

Hay như còn một số ngân hàng TMCP có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao vượt ngưỡng; còn trường hợp cổ đông và người có liên quan của cổ đông sở hữu cổ phần trên 20% vốn điều lệ,…

Qua đó, khuyến nghị với Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các ngân hàng TMCP thực hiện đúng, đầy đủ các quy định và kịp thời phát hiện các yếu tố, xu hướng tác động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động đối với từng tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở ý kiến của KTNN, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác thanh tra, giám sát; ngày càng hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý, góp phần đảm đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính.

SCB không phải là đối tượng kiểm toán của KTNN

Vụ việc SCB xảy ra thời gian vừa qua được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi. Theo ông, vai trò, trách nhiệm của hoạt động kiểm toán đối với vụ việc này như thế nào?

Trước tiên cần phải khẳng định, Ngân hàng SCB là ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước, do đó theo quy định pháp luật, SCB không thuộc phạm vi, thẩm quyền và không phải là đối tượng kiểm toán của KTNN.

Mặc dù không trực tiếp kiểm toán SCB nhưng thông qua hoạt động kiểm toán tại NHNN, KTNN đã chủ động phát hiện và đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro của Ngân hàng SCB tại Báo cáo kiểm toán NHNN niên độ 2019.

Các vấn đề nổi lên là tăng trưởng tín dụng vượt quá chỉ tiêu cho phép; thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phải vay hỗ trợ thanh khoản và vay đặc biệt từ NHNN với khối lượng lớn; cấp tín dụng cho cổ đông là cá nhân với số tiền lớn hơn số vốn góp vào chính TCTD; chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn; chênh lệch thu - chi âm...

Đồng thời, chúng tôi kiến nghị NHNN rà soát, đánh giá lại chất lượng tài sản bảo đảm của các khoản cho vay đặc biệt; đánh giá, xác nhận khả năng thu hồi nợ gốc, lãi của khoản cho vay đặc biệt SCB, và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định và phù hợp với thực tiễn.

Nghĩa là KTNN đã cảnh báo SCB từ năm 2019 nhưng vì sao các rủi ro tại ngân hàng này vẫn không được ngăn chặn kịp thời, thưa ông?

Có thể nói, với vai trò và chức năng nhiệm vụ trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định, KTNN đã rất chủ động nỗ lực đóng góp trong việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, do các ngân hàng TMCP không có vốn Nhà nước, không thuộc đối tượng kiểm toán nên KTNN không thể kiểm toán, đối chiếu, kiểm tra hồ sơ trực tiếp với các ngân hàng này.

KTNN chỉ có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu thông qua các báo cáo của NHNN dẫn đến các kết quả kiểm tra, đánh giá, cảnh báo và khuyến nghị chỉ mang tính gián tiếp, hiệu quả còn hạn chế.

Cần tạo điều kiện cho KTNN tham gia sâu hơn vào giám sát hệ thống ngân hàng

Vậy theo ông, để khắc phục tình trạng này cũng như phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong việc giám sát hoạt động của các ngân hàng TMCP thì cần phải làm gì?

Có thể thấy, với các quy định pháp luật hiện nay có nhiều khó khăn cho vai trò của KTNN trong hoạt động giám sát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong việc giám sát hoạt động của các ngân hàng TMCP không có vốn Nhà nước.

Để nâng cao vai trò của KTNN trong thời gian tới, theo tôi cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng có độ mở hơn, tạo điều kiện cho KTNN có thể tham gia sâu, trực tiếp hơn vào việc giám sát hệ thống ngân hàng, nhất là đối với nhóm các ngân hàng TMCP.

Đồng thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng do KTNN phát hiện; theo dõi đôn đốc kịp thời, thường xuyên các kết luận và kiến nghị kiểm toán; có chế tài đủ mạnh đối với trường hợp các đơn vị được kiểm toán không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Cùng với việc tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề liên quan đến hoạt động ngân hàng theo tôi cần tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách.

Trong đó, chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những rào cản ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để kiến nghị các cơ quan Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương pháp luật.

Ngày 5/6, Quốc hội sẽ chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn các nội dung trong lĩnh vực kiểm toán.

Theo đó, các đại biểu sẽ đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Chia lửa với Tổng Kiểm toán Nhà nước trong phiên chất vấn này, Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Người nhà đại gia Tạ Hùng Quốc Việt bị thu giữ 9,7 triệu USD

Ngân hàng SCB rao bán 27 cây ATM 'hư hỏng'

Ngân hàng SCB tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/kiem-toan-nha-nuoc-da-canh-bao-cac-rui-ro-cua-ngan-hang-scb-tu-nam-2019-2288012.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kiểm toán Nhà nước đã cảnh báo các rủi ro của ngân hàng SCB từ năm 2019
    POWERED BY ONECMS & INTECH