Kiến nghị của ngành gỗ, thủy sản: Các bộ, ngành nói gì?

14-04-2023 09:35|Phan Trang

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn khẳng định "không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT".

Tiếp tục cắt giảm thủ tục đầu tư và chi phí tuân thủ trong ngành gỗ và thuỷ sản - Ảnh 1.

Sáng 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong khuôn khổ Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 13/4, các bộ, ngành liên quan đã trực tiếp lắng nghe và đưa ra giải pháp cho các kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ và thuỷ sản.

Bộ Công Thương: Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong các vụ việc tranh chấp thương mại

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với các kiến nghị vừa được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đưa ra, Bộ Công Thương đã gom thành 3 nhóm vấn đề chính:

Về việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, Bộ Công Thương nhìn nhận, để thực hiện hiệu qủa hoạt động xúc tiến thương mại, việc kết nối, nắm bắt thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng, hệ thống phân phối xuất khẩu là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, từ năm 2022, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hiệu quả, Bộ Công Thương đã phối hợp với bộ, ngành địa phương, hiệp hội, ngành hàng, hệ thống các cơ quan tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức Chương trình giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hằng tháng.

Hoạt động này nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin mới về thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu, cơ hội xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để có kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, tiếp cận thị trường. Đồng thời, đưa ra những thông tin nhằm cảnh báo sớm các rào cản thương mại, chính sách bảo hộ tại các thị trường và đồng hành cùng doanh nghiệp trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.

Tiếp tục cắt giảm thủ tục đầu tư và chi phí tuân thủ trong ngành gỗ và thuỷ sản - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về kiến nghị mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương nhìn nhận, Trung Quốc là một trong 3 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam với dung lượng lên tới khoảng 23 tỷ USD/năm. Vì vậy, cùng với việc thị trường này dỡ bỏ chính sách Zero COVID, Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho thuỷ sản Việt Nam.

Tuy nhiên, thuỷ sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 2 đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ (đang chiếm thị phần chi phối 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc). Với các thuỷ hải sản khác như cá biển, tôm, mực, bạch tuộc…, Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu từ các quốc gia khác.

"Bộ Công Thương nhất trí với sự cần thiết trong việc đánh giá, xây dựng chiến lược gia tăng thị phần thuỷ sản Việt Nam tại Trung Quốc trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Liên quan đến việc bảo vệ các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, Bộ Công Thương cho biết, cả 2 hiệp hội, ngành hàng đều đã có nhiều kinh nghiệp liên quan đến các vụ việc tranh chấp thương mại quốc tế trong những năm vừa qua. Với vai trò của mình, Bộ Công Thương luôn bám sát toàn bộ quá trình, vụ việc để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ việc, giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hàng loạt các giải pháp như: Cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể; tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực kháng kiện phòng vệ thương mại.

Các hoạt động trên đã mang lại một số kết quả tích cực như vụ việc Ấn Độ chấm dứt điều tra chống bán phá giá với gỗ MDF của Việt Nam, nhờ đó các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc ứng phó xử lý các vấn đề về phòng vệ thương mại theo quy định", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Đối với kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế do mức hỗ trợ hiện nay quá thấp so với chi phí thực tế, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ ngân sách Nhà nước đối với tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài được quy định tối đa là 200 triệu đồng/đơn vị tham gia. 

Nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế luôn chiếm tỉ lệ lớn trên tổng kinh phí được phê duyệt cho Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hằng năm. Năm 2022, Bộ Công Thương được cấp 140 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ cũng đã cố gắng dành khoảng 40% kinh phí này cho quảng bá nông, lâm thuỷ sản.

Tuy nhiên, trước nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của các hiệp hội, ngành hàng, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục tăng cường phối hợp với đơn vị liên quan, lựa chọn triển khai những hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp; đồng thời, huy động nguồn tài chính, đóng góp của địa phương, doanh nghiệp tham gia để có nguồn lực tổ chức các hoạt động triển lãm hiệu quả, thực chất, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính: Không coi ngành gỗ là ngành rủi ro trong hoàn thuế GTGT

Đối với nhóm kiến nghị về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn khẳng định "không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT".

Theo Luật Quản lý thuế có phân việc hoàn thuế thành 2 loại "hoàn trước - kiểm sau" và "kiểm trước - hoàn sau". Hiện nay, một năm từ 150.000–170.000 tỷ đồng hoàn thuế thì 80% là Cục Thuế thực hiện "hoàn trước - kiểm sau". Riêng đối với ngành gỗ, từ năm 2022 đến nay, mức hoàn thuế là 17.400 tỷ đồng (chiếm 95%) và chỉ còn 5% cơ quan thuế đang kiểm tra hồ sơ thuế.

"Chúng tôi đồng tình với Hiệp hội Gỗ ủng hộ làm ăn chân chính và đấu tranh với doanh nghiệp gian lận. Vừa rồi chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Công an đấu tranh với một số doanh nghiệp gian lận khai khống đầu vào để giảm thuế xuất khẩu", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin.

Tiếp tục cắt giảm thủ tục đầu tư và chi phí tuân thủ trong ngành gỗ và thuỷ sản - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn khẳng định "không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về các hồ sơ chưa hoàn thuế, Thứ trưởng cho biết, chính sách thuế đối với doanh nghiệp gỗ xuất khẩu hiện nay đang là 0% còn thu mua gỗ rừng trồng đang không phải chịu thuế. Các doanh nghiệp trực tiếp thu mua đều không vướng mắc về đầu vào gỗ, chỉ có một số doanh nghiệp thu mua qua nhiều "cầu" thì khi cơ quan chức năng kiểm tra không làm rõ được con số. Bộ NNPTNT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có văn bản trả lời về việc này. Trong tuần tới, Bộ Chính sẽ tiếp tục họp với các doanh nghiệp đang có vướng mắc.

Về việc giảm thuế suất đối với xuất khẩu sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31), Hiệp hội Gỗ đề nghị có cùng mức thuế suất là 0%, tương ứng như thuế suất áp dụng đối với các sản phẩm viên nén khác, đại diện Bộ Tài Chính cho hay, Bộ đã có tờ trình về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu có tiếp thu ý kiến này và đa số ý kiến các bộ, ngành đều đã đồng tình. Trong tuần này, Bộ Tài chính sẽ trình lại lên Chính phủ, nếu được thông qua sẽ tháo gỡ được cho ngành gỗ.

Về việc giãn nợ thuế 6-12 tháng, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ Nghị định về giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế đất. Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc này, nếu như được ban hành thì sẽ giải quyết được vấn đề giãn nợ thuế cho các doanh nghiệp.

Bộ KHĐT: Gỗ và thuỷ sản luôn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Luật Quy hoạch có quy định: Quy hoạch ngành liên quan trực tiếp đến việc phát triển ngành thuỷ sản gồm "Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản" và "Quy hoạch hệ thống cảng cá khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu cá". Cả 2 quy hoạch này đang được Bộ NNPTNT lập, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Chính phủ đã thông qua Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, Bộ KHĐT đề nghị Bộ NNPTNT sớm triển khai 2 quy hoạch liên quan đến ngành thuỷ sản để các địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp có căn cứ triển khai thực hiện.

Về môi trường đầu tư kinh doanh, theo ý kiến các doanh nghiệp vừa đề xuất, Bộ KHĐT nhận thấy những kiến nghị này đều đã được Chính phủ giao cho các bộ, ngành trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Theo sự phân công đó, Bộ KHĐT đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát các thủ tục đầu tư, kinh doanh, cắt giảm bớt thủ tục đầu tư và chi phí tuân thủ. Ngoài ra, Bộ KHĐT cho rằng việc đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hằng tháng là hoạt động quan trọng. Bên cạnh đó, các địa phương cần thành lập Ban chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Về đầu tư công cho ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025, mặc dù ngân sách hạn chế nhưng Chính phủ cũng đã giao cho ngành nông nghiệp vốn 7.810 tỷ đồng (tăng so với giai đoạn trước chỉ có 4.310 tỷ đồng). Trong đó, Bộ NNPTNN quản lý 6.385 tỷ đồng để đầu tư dự án phát triển thuỷ sản 2021-2025. Bộ KHĐT đề nghị Hiệp hội phối hợp với Bộ NNPTNT để triển khai hiệu quả các dự án.

Liên quan đến chính sách đầu tư, gỗ và thuỷ sản là 2 lĩnh vực luôn luôn được Nhà nước dành ưu đãi cao nhất, chính sách cao nhất và được hưởng các chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư. Ngoài ưu đãi theo quy định pháp luật Luật Đầu tư, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 57/2018 để hỗ trợ, ưu đãi đầu tư thêm cho 2 lĩnh vực này.

Hiện, Bộ KHĐT đang phối hợp với bộ, ngành liên quan sửa Nghị định 57 theo hướng ưu đãi đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn và dễ triển khai thực hiện hơn cho các địa phương. Dự kiến sẽ trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 57 vào cuối tháng 4/2023.

Vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp mà Bộ KHĐT thấy các doanh nghiệp chưa đề cập đến đó là vùng nguyên liệu còn manh mún, chưa đạt quy mô và sản phẩm đầu vào do bị động đầu vào không thống nhất, dẫn đến tốn nhiều chi phí sàng lọc sản phẩm, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân do hạn mức đất được giao theo Luật Đất đai 2013, hiện nay, dự thảo Luật Đất đai đang chuẩn bị trình Quốc hội cơ bản sẽ xử lý được vấn đề này.

"Về kiến nghị của ngành gỗ về việc thành lập cụm công nghiệp, khu công nghiệp của ngành gỗ, Bộ KHĐT hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Bộ cũng đã tham mưu, trình Chính phủ Nghị định 35 về việc Nhà nước khuyến khích thành lập các khu công nghiệp như vậy. Hiện nay, một số địa phương cũng đã hình thành các cụm công nghiệp như ở Bình Định, Bình Dương, Nghệ An đang có các khu công nghiệp chuyên thu hút nhà đầu tư nước ngoài chế biến gỗ. Đề nghị Hiệp hội lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực và các địa phương sẵn sàng hỗ trợ để triển khai phát triển các khu công nghiệp này", Thứ trưởng Ngọc nói.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ KHĐT cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi mô hình đầu tư xanh và thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, Bộ KHĐT đang triển khai chuơng trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với Bộ KHĐT để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà chủ Xuyên Việt Oil khai về cuộc gọi với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương

Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/truoc-kien-nghi-cua-nganh-go-thuy-san-cac-bo-nganh-noi-gi-102230413153827585.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kiến nghị của ngành gỗ, thủy sản: Các bộ, ngành nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH