Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc lộ nhiều điểm yếu, bị cáo buộc cố tình làm suy yếu Mỹ và châu Âu

Đăng Đức 17/05/2024 19:00

Khi nền kinh tế Trung Quốc bước sang quý II năm nay, một số chỉ số cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại nếu mọi thứ không thay đổi. Điều này cũng làm tăng kỳ vọng về việc Chính phủ của “đất nước tỷ dân” sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Những “góc khuất” bị phơi bày

Mới đây, Trung Quốc công bố kế hoạch phát hành trái phiếu siêu dài hạn đầu tiên với kỳ hạn lên đến 30 năm. Đây là một phần trong chương trình kích thích kinh tế đã được công bố trước đó với tổng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (138,25 tỷ USD) dành cho các dự án chiến lược lớn. Bộ Tài chính nước này chưa nêu rõ đợt trái phiếu đầu tiên này sẽ được sử dụng vào mục đích gì.

Kinh tế Trung Quốc lộ nhiều điểm yếu, bị cáo buộc cố tình gây tổn hại Mỹ và châu Âu
Trung Quốc có kế hoạch phát hiện trái phiếu có kỳ hạn tới 30 năm

Louise Loo, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, nhận định: “Với việc Trung Quốc phát hành trái phiếu siêu dài hạn kéo dài đến tháng 11, có khả năng một số khoản chi tiêu thu được (mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước) sẽ chỉ xuất hiện trong nửa đầu năm tới”.

Chương trình trái phiếu Chính phủ Trung ương được triển khai trong bối cảnh lực cản từ bất động sản vẫn tiếp diễn, trong khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng phần lớn vẫn thận trọng trong chi tiêu.

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm

Theo dữ liệu chính thức được truy cập thông qua Wind Information, các khoản vay ngân hàng mới dành cho doanh nghiệp và tổ chức trực thuộc Nhà nước ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 4 so với tháng 3, cũng như các khoản vay mới dành cho các hộ gia đình.

Một cuộc khảo sát của The China Beige Book vào tháng 4 cho thấy các khoản vay của doanh nghiệp ở Trung Quốc suy giảm do dịch vụ kéo theo, trong khi nhu cầu sản xuất lại tăng. Sự sụt giảm tổng thể xảy ra mặc dù có nhiều khoản vay được chấp thuận hơn và lãi suất thấp hơn, khiến việc vay tiền trở nên dễ dàng hơn.

>> Vanke - ông lớn bất động sản có thể 'quật ngã' Trung Quốc bất cứ lúc nào

M2, thước đo lượng cung tiền bao gồm tiền mặt, các khoản tương đương tiền và một số tiền gửi nhất định, đã tăng 7,2% trong tháng 4 so với một năm trước, tốc độ chậm nhất được ghi nhận kể từ năm 1986, theo dữ liệu chính thức được công bố thông qua Wind Information.

Ít chú trọng đến việc mở rộng tín dụng

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo từ nay đến cuối năm Trung Quốc sẽ có thêm 2 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và 1 lần cắt giảm lãi suất cơ bản.

Larry Hu, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie, nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách không muốn có thêm một đợt phục hồi kinh tế nhờ tín dụng nữa. Thay vào đó, họ muốn Trung Quốc dựa vào xuất khẩu và các lĩnh vực năng lượng mới để thúc đẩy tăng trưởng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại”, ông Hu nói. Ông cũng kỳ vọng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng 5% trong năm nay, đồng thời lưu ý rằng lĩnh vực ô tô đã hoạt động tốt.

Xuất khẩu của quốc gia này vẫn tăng mặc dù căng thẳng thương mại gia tăng giữa họ và Mỹ. Dữ liệu công bố vào tuần trước cho thấy xuất khẩu trong tháng 4 của Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,5% và phù hợp với kỳ vọng, trong khi nhập khẩu tăng nhiều hơn dự kiến.

Các số liệu riêng biệt được công bố vào cuối tuần qua cho thấy giá tiêu dùng tăng khiêm tốn trong tháng 4. Nhưng thước đo giá cả tại các nhà máy vẫn tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, bất động sản, vốn từng đóng góp vào ít nhất 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, vẫn là lực cản, bất chấp ngày càng nhiều thành phố nới lỏng các hạn chế mua bán.

>> Lệnh trừng phạt của Mỹ: Phép thử với mối quan hệ 'không giới hạn' Trung - Nga

Doanh số bán bất động sản đang ngày càng chuyển sang thị trường thứ cấp, điều đó có nghĩa là các nhà phát triển không được hưởng lợi nhiều trong một thị trường vẫn đang “tìm kiếm đáy”, S&P Global Ratings cho biết trong một báo cáo đầu tuần trước.

Các nhà phân tích của S&P dự đoán thị trường nhà ở sơ cấp của Trung Quốc sẽ giảm 16% trong năm nay.

Trung Quốc bị cáo buộc cố ý làm suy yếu kinh tế Mỹ và châu Âu

Có thể thấy, xuất khẩu đang quay trở lại làm "phao cứu sinh" cho kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên điều này đang khiến các nước khác khó chịu. Ông Mark Gitenstein, Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU), cho rằngTrung Quốc đang cố tình bóp méo thị trường bằng lượng hàng hóa giá rẻ dồi dào.

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Silvia Amaro thuộc đài CNBC hôm 14/5, ông Gitenstein cho biết Trung Quốc đã “tham gia vào một nỗ lực có chủ ý nhằm làm suy yếu các lĩnh vực kinh tế ở cả châu Âu và Hoa Kỳ”.

Kinh tế Trung Quốc lộ nhiều điểm yếu, bị cáo buộc cố tình gây tổn hại Mỹ và châu Âu
Ông Mark Gitenstein, Đại sứ Mỹ tại EU cáo buộc Trung Quốc "có chủ ý làm suy yếu các lĩnh vực kinh tế ở cả châu Âu và Mỹ - Ảnh: AFP/Getty Images

Bình luận của đại sứ Mỹ tại EU Mark Gitenstein được đưa ra khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden hôm 14/5 tuyên bố tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 18 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm cả việc tăng thuế đối với xe điện của nước này từ 25% lên hơn 100%.

Điều đó xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về hàng loạt hàng hóa “xanh” giá rẻ của Trung Quốc – như xe điện, pin và tấm pin mặt trời – tràn ngập thị trường quốc tế.

Các quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo Bắc Kinh sửa đổi một số thông lệ thương mại mà họ cho rằng đã làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã mở một cuộc điều tra về xe điện của Trung Quốc và nêu ra khả năng áp dụng “thuế chống trợ cấp” của riêng mình trong tương lai.

Ông Gitenstein cho biết cả Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đều đã “thảo luận rất nhiều về vấn đề dư thừa công suất ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và việc nó đang bóp méo thị trường Hoa Kỳ cũng như thị trường châu Âu như thế nào”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động của mình và bảo vệ các lĩnh vực kinh tế đang bị tấn công bởi Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ xanh”.

>> Hàng loạt công ty châu Âu 'vỡ mộng' vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm

Chân dung nhà văn được mệnh danh là ‘ông vua phóng sự đất Bắc’: Tác phẩm được xuất bản tại nhiều nước, từng khiến dân mạng Trung Quốc khen ‘tuyệt tác!’

Lãnh đạo Trung Quốc, Nga ra tuyên bố chung

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-trung-quoc-lo-nhieu-diem-yeu-bi-cao-buoc-co-tinh-lam-suy-yeu-my-va-chau-au-235096.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Kinh tế Trung Quốc lộ nhiều điểm yếu, bị cáo buộc cố tình làm suy yếu Mỹ và châu Âu
POWERED BY ONECMS & INTECH