Kỳ tích đường sắt cao tốc của láng giềng Việt Nam: Từ vô danh đến số 1 thế giới, xây hơn 42.000km với chi phí chỉ bằng 2/3 nước khác
Dù không phải đất nước tiên phong trong xây dựng đường sắt tốc độ cao nhưng hiện nay Trung Quốc đã trở thành “ông hoàng” đường sắt cao tốc thế giới với mạng lưới dài hơn 42.000km.
Đường sắt tốc độ cao là phương tiện vận tải hành khách được vận hành với tốc độ cao gấp nhiều lần đường sắt thông thường. Hiện nay, tại Trung Quốc, đường sắt cao tốc di chuyển với vận tốc 250 - 350km/giờ, được thiết kế dành riêng cho hành khách. Sự ra đời của hệ thống đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc đã có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, môi trường và du lịch của đất nước này.
Cả thế giới ngỡ ngàng trước cuộc chạy đua của Trung Quốc
Năm 1990, để giải tỏa áp lực quá tải trên các tuyến đường sắt và đường cao tốc, nhiều cơ quan của Trung Quốc đã cùng thực hiện một báo cáo đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc nộp lên Chính phủ nước này.
Tuy nhiên, phải đến năm 2004, Trung Quốc mới bắt tay vào thực hiện. Alstom, Siemens, Bombardier và Kawasaki Heavy Industries là 4 hãng công nghệ lớn trên thế giới được Trung Quốc lựa chọn để thực hiện ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với 2 hãng sản xuất tàu lớn nhất của nước này.
Đường sắt cao tốc và hành trình diệu kỳ của Trung Quốc - Ảnh: Internet |
Chỉ 4 năm sau, tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên kết nối Bắc Kinh và Thiên Tân được đưa vào hoạt động tại Trung Quốc. Điều đáng lưu ý là hành trình di chuyển này chỉ mất 30 phút, nhanh gấp đôi so với trước kia.
Trên hành trình thay áo mới cho hệ thống đường sắt, tất cả 34 khu vực hành chính của đất nước này, trừ Tây Tạng và Ma Cao đều đã có sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao, tính đến năm 2019.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng và phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc, với sự mở rộng ấn tượng lên tới gần 40.000 km. Tính đến năm 2020, 75% thành phố Trung Quốc với 500.000 dân số trở lên đã có đường sắt tốc độ cao.
Và đến năm 2022, tốc độ phát triển này vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Chỉ tính riêng 2022, mạng lưới mở rộng thêm 2.082 km. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả chính là những tham vọng vĩ đại hơn nữa của cường quốc công nghiệp Châu Á trong tương lai. Nước này đã đặt ra mục tiêu đạt 50.000 km đường sắt cao tốc vào năm 2025 và không dừng lại ở đó, 200.000 km là mục tiêu hướng tới của đất nước này vào năm 2035.
Yếu tố then chốt và kinh nghiệm dẫn đến thành công
Trước tiên, một kế hoạch dài hạn và nghiêm túc trong việc thực hiện là yếu tố then chốt dẫn đến thành công vượt bậc của hệ thống đường sắt cao tốc ở Trung Quốc như ngày nay. Kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống đường sắt cao tốc kéo dài 15 năm được kết hợp cùng với một loạt các kế hoạch 5 năm được đất nước này thực hiện một cách triệt để. Chính vì vậy, một hệ thống đường sắt cao tốc lớn mạnh nhất thế giới được hình thành và phát triển với tốc độ “chóng mặt”.
Khi Trung Quốc đưa ra quyết định xây dựng đường sắt cao tốc, họ đã thể hiện sự sáng suốt trong chiến lược. Trung Quốc đã cẩn trọng cân nhắc các yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của dự án này:
- Đàm phán chuyển giao công nghệ: Trung Quốc đã yêu cầu các nhà thầu nước ngoài chia sẻ công nghệ, điều chỉnh thiết kế để phù hợp với tiêu chuẩn địa phương và sản xuất các bộ phận thông qua các liên doanh. Điều này giúp Trung Quốc nâng cao năng lực công nghệ và chủ động trong quá trình phát triển.
- Đa dạng hóa đối tác: Thay vì phụ thuộc vào một công ty nước ngoài, Trung Quốc đã hợp tác với các nhà cung cấp hàng đầu thế giới như Alstom, Siemens, Bombardier và Kawasaki. Điều này không chỉ mang lại sự đa dạng về công nghệ mà còn tăng cường cạnh tranh và đàm phán.
- Lựa chọn công nghệ phù hợp: Mặc dù công nghệ Maglev có một số ưu điểm, nhưng Trung Quốc đã quyết định sử dụng công nghệ đường sắt cao tốc (HSR) dựa trên các nghiên cứu đánh giá cẩn thận. Quyết định này thể hiện sự thực tế và cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đạt được hiệu quả tối ưu về chi phí, an toàn và tính thực tiễn.
Một điều không thể bỏ qua góp phần không nhỏ vào thành công của Trung Quốc trong việc mở rộng mạng lưới đường sắt tốc độ cao chính là sự chú trọng đến việc chuẩn hóa thiết kế và quy trình. Đây được xem là yếu tố then chốt góp phần kiểm soát hiệu quả chi phí của dự án.
Kết quả ấn tượng của sự tính toán cẩn thận này là chi phí xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc chỉ khoảng 17-21 triệu USD mỗi km - chỉ bằng hai phần ba so với mức chi phí xây dựng tại các quốc gia khác. Con số này đã phản ánh năng lực quản lý và tổ chức của Trung Quốc trong việc triển khai dự án mang tính chất thay đổi toàn bộ hệ thống đường sắt của đất nước này. Việc đất nước này lựa chọn sử dụng công nghệ HSR cũng là một chiến lược trong chính sách quản lý chi phí.
Thêm vào đó, yếu tố thứ dẫn đến sự thành công của Trung Quốc phải đề cập đến nguồn tài chính “khủng” được nhà nước cung cấp. Ngoài 3 nguồn tài trợ chính là quỹ xây dựng Đường sắt, trái phiếu doanh nghiệp đường sắt và các khoản vay trực tiếp và phân bổ ngân sách từ Trung ương thì từ giữa những năm 2000, ghi nhận gần 60% tổng đầu tư cơ sở hạ tầng đến từ chính phủ. Với nguồn tài chính dồi dào, Trung Quốc nhanh chóng phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường kết nối giữa các vùng miền.
>>Hàng loạt 'siêu cường' ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam thực hiện siêu dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD
Rà soát cuối kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với bột ngọt của Indonesia và Trung Quốc
Dự kiến tuyến đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD sẽ hoàn thành vào năm 2035