Sống

Kỳ tích hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á của Việt Nam thi công 1.600 ngày đêm, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 1/4 đường đèo

Quỳnh Như 03/09/2023 09:14

Hầm xuyên núi Hải Vân được thi công xuyên lòng đất trong 5 năm để lại nhiều dấu ấn với các kỹ sư Việt Nam lần đầu tham gia làm hầm đường bộ.

Những ai có dịp đi trên tuyến quốc lộ 1A khu vực miền Trung, không khỏi rùng mình khi nghe đến câu: “Đi bộ thì khiếp Hải Vân. Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi”. Nhưng bắt đầu ngày 5/6/2005, câu ca ấy đã vĩnh viễn trở thành quá khứ. Sau hơn 1.600 ngày đêm nằm sương đội gió, vượt mọi khó khăn, thử thách, lao động không biết mệt mỏi của các lực lượng thi công trên công trình, hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành và đưa vào hoạt động, bỏ lại sau lưng hơn 21km đường đèo quanh co nguy hiểm.

Công trình thể hiện bản lĩnh những người thợ Việt Nam

Ngày 20/8/2000, đích thân Thủ tướng lúc bấy giờ - ông Phan Văn Khải nhấn nút phát lệnh khởi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân. Tháng 4/2001, khi rượu được tưới lên vách núi, điểm khoan đầu tiên cắm sâu vào lòng núi tại Hói Thương (phía Bắc) do liên danh nhà thầu HAZAMA (Nhật Bản) - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Việt Nam) và ở phía Nam do liên danh Công ty Xây dựng DONG Ah (Hàn Quốc) - Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà (Việt Nam) chính thức mở các mũi “tấn công”.

so do ham hai van
Sơ đồ hệ thống hầm giao thông và trang thiết bị trong hầm Hải Vân. Ảnh: VnExpress.

Sau 5 tháng thi công, công trình bất ngờ xuất hiện sự cố đầu tiên: sạt lở đoạn đầu đường hầm phía Nam, một tảng đá mồ côi nặng hơn 20 tấn cùng với hơn 600m3 đất đá rơi xuống lòng hầm, tạo một lỗ hổng dài 6m trên nóc hầm chính. Chỗ đất lún sụt tạo thành hang hình ống thông lên mái dốc có đường kính rộng khoảng 3m, hang lún sụt rộng trên 100m². Một xe phun bê tông chuyên dụng đã bị tống ra khỏi cửa hầm, may mắn không công nhân nào thiệt mạng.

Các chuyên gia nước ngoài, do không tin khả năng xử lý nền đất yếu của Tổng Công ty Sông Đà nên chủ đầu tư Việt Nam buộc phải thuê Công ty Kend Tunneling Hồng Công khắc phục với giá 1 triệu USD. Sau hơn 1 tuần triển khai, Công ty Kend Tunneling đã chào thua và tức tốc rút. Tổng Công ty Sông Đà được mời vào cuộc.

Sau 4 tháng nỗ lực, khai đào và chống đỡ phần hầm chính gặp đất đã thành công, tiết kiệm hơn 1/3 chi phí (chỉ tốn 300.000 USD so với 1 triệu USD, chưa kể khoản vật liệu chỉ 12 tỷ đồng so với 2 triệu USD mà công ty Hồng Công yêu cầu).

Sự cố phía Nam vừa khắc phục xong thì đến phía Bắc đối diện với thách thức khi mà tháng 3/2002 lại có sự cố mạch nước ngầm tại hầm thông gió. Lần này, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là đơn vị được giao nhiệm vụ khắc phục sự cố.

Các kỹ sư đã dùng biện pháp bơm hút để công nhân tiếp tục khoan đào. Sau đó gia cố bằng cách bơm thẳng vữa hóa chất vào tận “hang ổ” mạch nước ngầm và xử lý thành công một số vị trí triền đứt gãy.

Bản lĩnh trong xử lý tình xuống khẩn cấp, những người thợ cầu đường hầm Việt Nam tại dự án hầm Hải Vân cũng là những người đầu tiên tiếp cận công nghệ thi công với công nghệ cực kỳ hiện đại và phức tạp của Áo, viết tắt NATM (New Austrian Tunneling Method).

Công nghệ NATM được áp dụng cho việc đào hầm bằng phương pháp khoan nổ, được chống đỡ bằng néo kết hợp với bê tông phun... Từ dự án hầm Hải Vân, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số các nước đang phát triển đã mạnh dạn áp dụng công nghệ đào hầm NATM vào thi công các công trình hầm trong giao thông, thu được hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.

Sau hơn 36 tháng thi công, bằng phương pháp định vị qua vệ tinh GPS, việc khoan đào hầm đạt tiến độ dự định để đến trưa ngày 30/10/2003, loạt mìn 100 kíp với 400kg thuốc nổ đã phá thủng đoạn hầm chính giáp mối giữa 2 mũi thi công Bắc - Nam, mở thông hầm đường bộ Hải Vân với độ chính xác cao, chỉ lệch nhau 2,5cm, trong khi chỉ số sai số cho phép là 10cm.

Sau hơn 1.600 ngày đêm nằm sương đội gió, vượt mọi khó khăn, thử thách, lao động không biết mệt mỏi của các lực lượng thi công trên công trình, hầm đường bộ Hải Vân được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 5/6/2005.

Hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á

ham hai van
Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Với tổng chi phí đầu tư hơn 127 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng), hầm Hải Vân được xây dựng nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân thuộc địa phận ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng.

Toàn tuyến công trình hầm đường bộ Hải Vân có chiều dài 12,047 km, tốc độ thiết kế 80km/h. Trong đó, hầm chính dài 6.280m có chiều rộng 10m cho 2 làn xe, độ cao cho phép xe đi qua là 7,5m; hầm cứu nạn chạy song song với hầm chính và có chiều dài tương tự, chiều rộng 4,7m, được nối với nhau bằng các hầm ngang, là đường thoát hiểm cho người và phương tiện khi có sự cố xảy ra.

Hầm được làm theo dạng hình tròn để tăng khả năng chịu lực, tránh tập trung ứng suất tại góc. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày đêm có khoảng 6.500 lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân; những ngày Lễ, Tết con số đó có thời điểm tăng gấp đôi.

Empty
Empty

Trước khi hầm đường bộ được xây dựng, các phương tiện giao thông trên tuyến huyết mạch Bắc - Nam phải qua đèo Hải Vân. Đường đèo dài khoảng 21 km với những nhược điểm cố hữu là hẹp, độ dốc lớn, đường cong bán kính nhỏ, tầm nhìn hạn chế, sương mù, một bên là vực sâu, một bên là vách núi dựng đứng gây nguy hiểm.

Sau khi hầm Hải Vân đi vào hoạt động, những nguy hiểm khi tham gia giao thông trên đèo đã được giải quyết. Giao thông qua hầm Hải Vân được rút ngắn, thời gian chỉ còn 1/4 so với đi đường đèo.

Việc thông xe công trình hầm đường bộ Hải Vân đã cải thiện cơ bản điều kiện giao thông qua lại trên đoạn đường đèo hiểm trở, rút ngắn hành trình Bắc - Nam, giảm tiêu hao nhiên liệu, hư hỏng phương tiện, đặc biệt là góp phần hạn chế những thiệt hại không thể lường trước do ách tắc, tai nạn giao thông xảy ra hàng năm so với đường đèo, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội to lớn.

Hầm đường bộ Hải Vân đi vào vận hành đã giúp phát triển kinh tế cho TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, hầm Hải Vân còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần đưa khu vực miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam có thể giao thương với khu vực Đông Nam Á, từ đó góp phần hội nhập quốc tế.

Để giảm áp lực cho hầm Hải Vân, tháng 4/2016 lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý cho CTCP Đèo Cả triển khai dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 dài 6.292 m, được thiết kế với chiều rộng 9,7 m; bao gồm 2 làn xe rộng 7 m, đường bộ hành, nằm song song với hầm Hải Vân 1. Ngày 11/1/2021, hầm đường bộ Hải Vân 2 được đưa vào khai thác.

Hai cầu dây văng có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam tổng vốn gần 6.000 tỷ

Tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam muốn chi 4.000 tỷ làm đường hầm xuyên núi kết nối cảng hàng không quốc tế của địa phương

Sắp có hầm xuyên núi dài 4.280m kết nối sân bay Cam Ranh tới hòn ngọc biển Đông của Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ky-tich-ham-xuyen-nui-dai-nhat-dong-nam-a-cua-viet-nam-thi-cong-1600-ngay-dem-rut-ngan-thoi-gian-di-chuyen-chi-con-1-4-duong-deo-d107978.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kỳ tích hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á của Việt Nam thi công 1.600 ngày đêm, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 1/4 đường đèo
    POWERED BY ONECMS & INTECH