Xã hội

Lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trên đỉnh núi cao gần 1.500m gần biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng nơi cực Tây

Thanh Hoa 07/05/2025 - 16:16

Đây sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia khu vực biên giới.

Sáng 7/5, tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - điểm cực tây của Tổ quốc đã diễn ra Lễ Thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải, chào mừng kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tại buổi lễ có các đồng chí: Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó Chính ủy Quân khu II.

Về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng nhân dân, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang tỉnh.

Lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trên đỉnh núi cao gần 1.500m gần biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng nơi cực Tây - ảnh 1
Chiến sĩ thực hiện nghi thức chào cờ tại cột cờ A Pa Chải. Ảnh: TTXVN

Được khởi công xây dựng tháng 11/2023, Cột cờ A Pa Chải nằm trên đỉnh núi cao 1.459m so với mực nước biển, thuộc dãy Khoang La San, xã Sín Thầu, cách Mốc 0, ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc gần 1.400m. Từ trên cao nhìn xuống, công trình mang dáng dấp bông hoa ban nở giữa núi rừng Tây Bắc.

Với kinh phí xây dựng 31 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, tổng thể khuôn viên công trình rộng 407m2, bao gồm phần đường dạo chung quanh, sân chào cờ, bồn hoa cảnh quan; trung tâm là cột cờ mang ý nghĩa gắn kết các dân tộc anh em quây quần quanh ngọn lửa thiêng của dân tộc.

Tổng chiều cao của công trình hơn 45m, lá cờ có kích thước 7,5x5m với tổng diện tích 37,5m2, gắn với ngày chiến thắng Điện Biên 7/5. Phần đỉnh cột cờ được ốp phù điêu đá với chủ đề Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc theo 5 chủ đề chính: Sự tích Quả bầu mẹ - truyền thuyết của dân tộc Khơ Mú; Văn hóa tín ngưỡng và lễ hội; Lao động, sản xuất và nghề truyền thống; Dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian; Quảng trường 7/5 vòng xòe đoàn kết các dân tộc. Đường lên cột cờ gồm 519 bậc, uốn lượn theo địa hình tự nhiên của sườn núi, thân cột cờ được tạo khối hình bát giác, thể hiện sự cân đối chắc chắn, vững chãi và uy nghiêm.

Lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trên đỉnh núi cao gần 1.500m gần biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng nơi cực Tây - ảnh 2
Nghi lễ Thượng cờ trên Cột cờ A Pa Chải. Ảnh: Phạm Trung/Người lao động

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị sâu sắc, Cột cờ A Pa Chải còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đây sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia khu vực biên giới. Đồng thời, trở thành điểm nhấn cho cung du lịch Điện Biên - cực Tây A Pa Chải, tạo động lực cho ngành du lịch Điện Biên phát triển.

Theo Báo Nhân dân, tại buổi lễ, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ghi nhận và biểu dương nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị đã khắc phục khó khăn thi công xây dựng công trình Cột cờ A Pa Chải.

Lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trên đỉnh núi cao gần 1.500m gần biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng nơi cực Tây - ảnh 3
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phát biểu tại Lễ khánh thành và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải. Ảnh: Nhân dân

Ông khẳng định, công trình là điểm nhấn du lịch của Mường Nhé nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung, góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: "Khi Quốc ca cất lên nơi biên cương cực Tây của Tổ Quốc, mọi người đều hướng về lá cờ Tổ quốc với niềm xúc động trào dâng khi trái tim cùng chung nhịp đập, chung niềm lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước vô bờ".

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trực tiếp là Đồn Biên phòng A Pa Chải tiếp nhận, quản lý, bảo vệ Cột cờ; đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức các nghi lễ Chào cờ khi có sự kiện và gắn liền với chức năng bảo vệ biên giới Quốc gia của Bộ đội Biên phòng, khẳng định chủ quyền đất nước nơi cực Tây. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, chương trình trải nghiệm tới du khách trong nước, quốc tế và nhân dân. Cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc đề cao vai trò, trách nhiệm, tham gia giữ gìn vệ sinh, tuân thủ quy định về trật tự môi trường, kịp thời phát hiện, báo cáo với địa phương và lực lượng chức năng những dấu hiệu, hành vi xâm hại tới Cột cờ, góp phần giữ gìn biểu tượng chủ quyền quốc gia.

*Tổng hợp

>> Anh hùng cắm lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' trên Cứ điểm Him Lam, hy sinh đúng ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng, tên được đặt cho đường và trường học

Vị Đại tá được mệnh danh là ‘soái ca’ của chiến trường Điện Biên Phủ: Chiến sĩ pháo thủ nổi tiếng với khẩu sơn pháo 75mm, từng được đích thân Bác Hồ khen ngợi và tặng huy hiệu vì lập đại công

Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/la-co-do-sao-vang-chinh-thuc-tung-bay-tren-dinh-nui-cao-gan-1500m-gan-bien-gioi-viet-nam-lao-trung-quoc-khang-dinh-chu-quyen-lanh-tho-thieng-lieng-noi-cuc-tay-141889.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trên đỉnh núi cao gần 1.500m gần biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng nơi cực Tây
    POWERED BY ONECMS & INTECH