Lafooco (LAF) tái sinh mạnh mẽ sau khủng hoảng ngành điều 2018, sắp chia cổ tức năm thứ 3 liên tiếp
Trong cơn bĩ cực, Lafooco (LAF) đã sống sót và tái sinh ngoạn mục nhờ chiến lược tài chính khôn ngoan.
![]() |
Ảnh minh họa |
3 năm cổ tức và đỉnh cao lợi nhuận sau 15 năm
Đầu tháng 3/2025 tới, CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco, Mã LAF) sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15% cho năm 2024, mức tương tự hai năm trước. Ngày chi trả là 10/4/2025, thể hiện sự ổn định trong chiến lược chia sẻ lợi nhuận với cổ đông.
Lafooco hiện là thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn PAN, với tỷ lệ sở hữu 77,88% (tương ứng 11,9 triệu cổ phiếu). Năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 466 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, tăng 57% so với năm trước và vượt 42% kế hoạch đề ra. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2010, nâng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên 95 tỷ đồng, chiếm 26% tổng tài sản.
Đáng chú ý, đây đã là năm thứ 8 liên tiếp Lafooco có lãi. Đằng sau con số ấn tượng này là một hành trình đầy thử thách mà không phải ai cũng biết.
Chìa khóa sinh tồn và màn 'comeback' ấn tượng
Ít ai biết rằng trước khi lập chuỗi 8 năm có lãi, Lafooco từng chạm đáy khủng hoảng với khoản lỗ 63,6 tỷ đồng năm 2018 – mức lỗ cao thứ hai trong lịch sử hoạt động, chỉ sau năm 2012 lỗ hơn 152 tỷ đồng.
Năm 2018, ngành điều Việt Nam rơi vào khủng hoảng kép: Giá điều sụt giảm mạnh và thiếu nguyên liệu trầm trọng. Cảnh tượng nhà máy đóng cửa, nhà kho trống rỗng, máy móc nằm ngổn ngang diễn ra khắp nơi.
Quý II/2018, Lafooco phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tới 19,4 tỷ đồng, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Tình trạng này phản ánh khủng hoảng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vốn chiếm 40-60% nhu cầu nguyên liệu của ngành điều Việt Nam.
Nhiều ngân hàng đồng loạt ngừng cho vay vốn khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao. Mua nguyên liệu giá cao nhưng không thể tăng giá bán, doanh nghiệp điều buộc phải bán rẻ để quay vòng vốn, tạo ra vòng luẩn quẩn giá giảm – lãi biên co hẹp – thua lỗ.
Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khi đó thừa nhận: “Khi giá điều nhân xuống thấp, lợi nhuận ngành điều giảm, thậm chí lỗ. Các ngân hàng càng thêm e dè khi cho vay vì lo ngại rủi ro”.
Trong cơn bĩ cực, Lafooco đã sống sót và hồi sinh ngoạn mục nhờ chiến lược tài chính khôn ngoan.
Quý I/2018, nợ phải trả của Lafooco ở mức 179 tỷ đồng nhưng chỉ sau 3 tháng, con số này đã tăng vọt lên 381 tỷ, gần như toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành điều bị "đóng băng" tín dụng, Lafooco vẫn nhận được nguồn lực từ các tổ chức tín dụng, giúp gia tăng giá trị nguyên liệu tồn kho lên 350 tỷ đồng.
Có nguồn nguyên liệu ổn định, Lafooco nhanh chóng báo lãi trở lại 1,9 tỷ đồng ngay quý I/2019 và giảm mạnh nợ phải trả còn 97 tỷ đồng sau khi giải phóng lượng lớn hàng tồn kho.
Từ năm 2019 đến nay, Lafooco liên tục báo lãi, tiết lập chuỗi 8 năm có lãi liên tiếp. Mức lãi của năm 2024 cũng là con số nhất kể từ năm 2010.
Tài chính vững vàng và triển vọng tăng trưởng
Tại thời điểm 31/12/2024, Lafooco duy trì quy mô tổng tài sản 366 tỷ đồng, phân bổ hợp lý với 66 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn, 132 tỷ đồng hàng tồn kho phục vụ sản xuất. Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 0,48 lần và nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,39 lần – tỷ lệ an toàn tài chính cao.
Là thành viên chiến lược trong hệ sinh thái Tập đoàn PAN, Lafooco được hưởng lợi từ chuỗi giá trị nông nghiệp – thực phẩm khép kín, từ nguồn nguyên liệu đến phân phối đầu ra. Điều này giúp doanh nghiệp tự chủ sản xuất và giảm thiểu rủi ro biến động giá nguyên liệu.
Từ một doanh nghiệp chế biến điều "gặp nạn" năm 2018, Lafooco đã trở lại mạnh mẽ với vị thế hàng đầu trong nhóm ngành trên sàn niêm yết và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng bền vững trong tương lai. Không chỉ là câu chuyện hồi sinh từ khủng hoảng, Lafooco chính là minh chứng sống động cho sức mạnh của quản trị chiến lược, tận dụng cơ hội và bản lĩnh vượt khó trong ngành nông sản đầy thách thức.
>> Hành trình tỷ USD của PAN Group: Góc nhìn một thập kỷ M&A