Yêu cầu các ngân hàng tính toán, làm việc và có biện pháp giảm lãi suất cụ thể ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 này" - Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng tổ chức chiều 25/4, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với toàn ngành ngân hàng và đề nghị một số ngân hàng giải trình về việc lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao.
Cụ thể, ông Tú đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các ngân hàng, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong việc giảm lãi suất, định hướng thị trường…
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực đánh giá lãi suất vẫn còn cao: Có ngân hàng lãi suất 4% nhưng có ngân hàng có gói cho vay lãi suất hơn 10%, doanh nghiệp "nhắm mắt vay", khi đến thời hạn lại tìm mọi cách đảo nợ, quay vòng…
Theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh NHNN liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hiện vẫn còn nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất cho vay rất cao, “vống” lên 14%.
"Mức lãi suất đầu ra bình quân 13 - 14%/năm là quá cao, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn hiện nay. Thậm chí, đây mới chỉ là lãi suất cho vay bình quân, như vậy sẽ có những khoản vay phải chịu lãi suất cao hơn”, Phó Thống đốc cho biết.
Không chỉ việc không hạ lãi suất cho vay về mặt bằng chung, Phó Thống đốc còn thấy khó hiểu khi một số ngân hàng huy động thấp mà lại cho vay cao. Có nơi đã giảm lãi suất huy động bình quân từ đầu năm nhưng lại tăng lãi suất cho vay.
Theo đó, Phó Thống đốc yêu cầu lãnh đạo một số ngân hàng giải thích về tình trạng chênh lệch lớn giữa lãi suất cho vay và huy động.
Lý giải về tình trạng này, đại diện Kienlongbank cho biết do mức lãi suất đầu vào khá cao (chủ yếu huy động từ dân cư trên thị trường 1 nên lãi suất đầu ra phải cộng thêm biên độ để đảm bảo khả năng hoạt động và quản lý rủi ro.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng câu trả lời của lãnh đạo ngân hàng này vẫn chưa giải thích được lý do vì sao đưa ra mức lãi suất cho vay cao hơn mặt bằng chung. Tất nhiên, tùy quy mô, năng lực tài chính lãi suất có thể cao hơn nhưng không thể quá chênh lệch với mặt bằng lãi suất chung.
“Một vài ngân hàng đưa lãi suất cho vay cao thế này thì làm sao giảm được mặt bằng lãi suất chung, làm sao thống nhất được mặt bằng lãi suất”, ông Tú nhấn mạnh.
Với VPBank, đại diện ngân hàng này giải thích rằng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu tín dụng của VPBank (phân khúc khách hàng chiến lược).
Trong lĩnh vực kinh doanh đối với hai nhóm khác hàng này, VPBank áp dụng cả hình thức cho vay tín chấp phục vụ tiêu dùng. Đây là một trong những mảng có tính chất đặc thù với mức độ rủi ro cho vay cao. Do đó, khiến mức lãi suất cho vay tại VPBank cao hơn so với mặt bằng chung.
Ngân hàng Việt Á cũng cho biết có đôi nét giống VPBank do có đặc thù riêng đối với từng phân khúc khách hàng và cho biết sẽ nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
“Chúng tôi đang trong quá trình giảm lãi suất huy động và chắc chắn sẽ phải giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc này diễn ra hơi chậm so với chỉ đạo của Hội đồng quản trị. Tôi nghĩ từ giờ đến cuối năm chắc chắn chúng tôi sẽ kéo lãi suất giảm về mặt bằng chung của ngành”, Đại diện VietABank cho biết.
Phản hồi về các giải trình của các ngân hàng, Phó Thống đốc cho là chưa thoả đáng, vì mấu chốt họ đang huy động lãi suất thấp, nhưng cho vay ra cao.
“Một số ngân hàng huy động thấp mà lại cho vay cao. Đáng ra lãi suất đầu vào thấp thì cho vay ra cũng phải thấp, chứ không thể giải thích vì cho vay bán lẻ, tư nhân mà đưa ra lãi suất cao được”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo NHNN, các ngân hàng phải xem xét lại, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng phải rà soát, theo dõi vì sao các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất cho vay cao như vậy.
Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh các ngân hàng này cần xem lại chính sách lãi suất của mình… Từ đó tạo mặt bằng lãi suất chung, sự thống nhất có tính hệ thống.
"Yêu cầu các ngân hàng tính toán, làm việc và có biện pháp giảm lãi suất cụ thể ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 này" - Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Thường trực cho biết sáng cùng ngày 25-4, Thường trực Chính phủ làm việc với các bộ, ngành về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo và 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (MBBank) đã cam kết giảm lãi suất.
Trên cơ sở tính toán chặt chẽ, NHNN đã 2 lần hạ lãi suất điều hành, nhưng nếu trong tương lai, xét thấy có thể nguy hiểm cho an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát thì lại phải tăng. Trên cơ sở điều hành của NHNN, các ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên có ngân hàng giảm, có ngân hàng không giảm.
Ngân hàng Nhà nước ra chỉ đạo ‘nóng’ tới các ngân hàng
Từ 1/1/2025, tất cả ứng dụng ngân hàng không được có chức năng ghi nhớ mật khẩu truy cập