Malaysia xem việc đào tạo thêm nhiều kỹ sư lành nghề là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất chip hàng đầu trên toàn thế giới.
Vào ngày 28/5, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố rằng nước này có kế hoạch đào tạo và nâng cao tay nghề cho 60.000 kỹ sư trong nước để giúp Malaysia đạt được tham vọng trở thành trung tâm chip toàn cầu.
Quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, hướng tới việc thu hút các công ty đa quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng và các căng thẳng địa chính trị khác.
Theo Chiến lược bán dẫn quốc gia được công bố cùng ngày, Chính phủ sẽ phân bổ ít nhất 5,33 tỷ USD trong vòng 5 đến 10 năm tới để bồi dưỡng nhân tài và phát triển các công ty trong nước, với nguồn vốn được cung cấp bởi các quỹ đầu tư quốc gia của Malaysia như Khazanah Nasional.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu tại một sự kiện ở Kuala Lumpur vào ngày 28/5. Ảnh: Norman Goh |
Ông Anwar phát biểu: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một hệ sinh thái với trọng tâm là các công ty bán dẫn nội địa năng động và tầm cỡ thế giới, đồng thời hợp tác với các công ty toàn cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới”.
Tại triển lãm Semicon Đông Nam Á 2024 ở thủ đô Kuala Lumpur, ông nói thêm rằng Malaysia sẽ trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn độc lập và không phụ thuộc, giúp thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt hơn.
Chiến lược này nhằm mục đích đào tạo 60.000 lao động trong ngành bán dẫn, từ thiết kế, đóng gói đến thử nghiệm. Thêm vào đó, chương trình đào tạo sẽ có sự hỗ trợ của nhiều trường đại học và tập đoàn lớn.
Theo Nikkei Asia, việc có thêm nhiều kỹ sư lành nghề là điều rất quan trọng nếu Malaysia muốn thu hút đầu tư lớn từ các nhà sản xuất chip hàng đầu. Đặc biệt là khi Chính phủ kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động sản xuất chip tiên tiến hơn ở nước này.
Malaysia đang đặt mục tiêu thu hút 500 tỷ ringgit từ đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Một công nhân đang kiểm tra chip tại nhà máy đóng gói bán dẫn ở Malaysia. Ảnh: Nikkei Asia |
Sự đột phá của Malaysia trong ngành công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu từ hơn 5 thập kỷ trước. Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia cho hay, nước này hiện cung cấp khoảng 13% dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip trên toàn thế giới.
Vào tháng 12/2021, Intel chi hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất và đóng gói chip tại nước này, dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm nay.
Năm ngoái, Infineon Technologies của Đức đã công bố khoản đầu tư lên tới 5 tỷ euro trong 5 năm tới để xây dựng cơ sở chế tạo tấm cacbua silic 200mm lớn nhất thế giới - - một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn.
Ngoài ra, Malaysia gần đây đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất thiết bị công nghệ cao, bao gồm cả chất bán dẫn, cùng nhiều chính ưu đãi để thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào nước này.
Một trong những dự án trọng tâm của Chính phủ là thành lập trung tâm thiết kế chip tích hợp lớn nhất khu vực tại bang Selangor, gần thủ đô quốc gia.
>> Láng giềng Việt Nam trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên nộp đơn gia nhập BRICS